Phiên họp bất thường tại thủ đô Vientiane

Xuân Tùng-Thứ ba, ngày 19/04/2011 17:05 GMT+7

Từ nhiều ngày nay, dư luận xã hội và các nhà khoa học Việt Nam đang rất quan tâm tới việc sẽ có thêm công trình thủy điện lớn được xây dựng trên sông Mekong. Con sông chảy từ cao nguyên Tây Tạng qua 4 nước Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Vị trí Lào dự định xây đập Xayabouri. Ảnh: internationalriver.org

Nhiều cuộc hội thảo đã được các tổ chức khoa học, xã hội của Việt Nam tổ chức nhằm tập hợp ý kiến và phân tích những điều được - mất nếu Chính phủ Lào chấp thuận cho xây dựng thủy điện. Vấn đề này lại một lần nữa trở nên cấp thiết khi ngày 19/4, Ủy ban Liên hiệp của Uỷ hội sông Mekong tổ chức phiên họp bất thường tại thủ đô Vientiane (Lào) để bàn về việc này.

Một trong những công trình thu hút sự quan tâm của khu vực là thủy điện Sayabouri. Theo những phân tích khoa học, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của 65 triệu dân của 4 nước sống dựa vào dòng sông. Ở Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long - nơi đang có khoảng 20 triệu người sinh sống chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, nguy cơ bị nước mặn xâm lấn không thể canh tác lúa và những thiếu hụt về đánh bắt thủy sản.

Về mặt bản chất, càng nằm ở phần hạ lưu thì các nước liên quan sẽ càng phải chịu những ảnh hưởng nặng nề. Khi tác động thiên nhiên, con người luôn phải cân nhắc bài toán được - mất. Trong trường hợp này, đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam ở trong tình huống vô cùng bất lợi.

Nhiều cuộc hội thảo, hàng trăm tài liệu và báo cáo khoa học đã được tổng hợp trình cho các Chính phủ và Uỷ ban Liên hiệp của Uỷ hội sông Mekong. Những ý kiến tích cực từ các quốc gia chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quyết định của Lào trong việc xây dựng đập thủy điện. Câu chuyện chưa thể có hồi kết trong ngày một ngày hai, nhưng bài học về sự quan tâm và hành động vì môi trường quanh ta một lần nữa lại được nhắc tới.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước