Phỏng vấn Đại sứ Lê Lương Minh, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực nước ta tại LHQ

Đức Hoàng -Thứ sáu, ngày 25/09/2009 09:57 GMT+7

Ngày 23/9, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến New York (Mỹ) tham dự kỳ họp thứ 64 Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hiệp quốc Lê Lương Minh cùng đông đảo cán bộ các cơ quan đại diện và lưu học sinh Việt Nam tại Mỹ đã ra sân bay đón Chủ tịch nước.

Theo chương trình, đêm 24/9 theo giờ Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham dự và có bài phát biểu tại Phiên họp Thượng đỉnh của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với chủ đề "Không phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân".

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng sẽ có bài tham luận quan trọng tại phiên thảo luận chung của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 25/9. Để tìm hiểu thêm về nội dung khóa họp lần thứ 64 của Đại hồi đồng Liên hợp quốc và sự tham gia đóng góp của Việt Nam với tư cách là Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an vào các hoạt động của Liên hợp quốc, phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam thường trú tại Mỹ đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Lê Lương Minh, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực nước ta tại LHQ và tại HĐBA.

Thưa Đại sứ, khóa họp lần thứ 64 của Đại hội đồng khai mạc từ ngày 23 đến 25/9 sẽ bàn thảo những chủ đề gì là chính và tại sao những chủ đề đó lại được đưa ra vào thời điểm này?

Phải nói rằng, mấy năm qua, đặc biệt là hai năm qua, tình hình thế giới đã trải qua nhiều vấn đề hết sức phức tạp. Chúng ta chứng kiến cuộc khủng hoảng lương thực, khủng hoảng về năng lượng cũng đặt ra rất nhiều vấn đề với không chỉ về kinh tế mà an ninh. Và cuộc khủng hoảng đặc biệt trầm trọng diễn ra trong năm qua là cuộc khủng hoảng tài chính và hiện nay, một vấn đề đang nổi lên là biến đổi khí hậu.

Phải nói rằng, lần này, Đại hội đồng đặt ra chủ đề thảo luận là ứng phó hiệu quả với các khủng hoảng toàn cầu. Điều đó quan trọng trong bối cảnh các quốc gia ngày càng nhận thấy rõ tầm quan trọng của sự cần thiết về hợp tác để cùng nhau giải quyết các khủng hoảng toàn cầu. Các nước trên thế giới ngày càng nhận thấy, chỉ có hợp tác với nhau, chỉ có thể cùng nhau nỗ lực thì mới có thể cùng nhau ra khỏi khủng hoảng.

‘ Phóng viên Đức Hoàng và Đại sứ Lê Lương Minh

Thưa Đại sứ, Chủ tịch nước ta Nguyễn Minh Triết dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam đang tham dự khóa họp lần 64 Đại hội đồng Liên hợp quốc lần này cho thấy sự quan tâm của chúng ta đối với các vấn đề quốc tế như thế nào?

Lần này Chủ tịch Nguyễn Minh Triết sẽ tham dự 2 hoạt động quan trọng là, Chủ tịch sẽ có phát biểu quan trọng tại cuộc thảo luận mở cấp cao của HĐBA về chủ đề “không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân”. Ngày 25/9, Chủ tịch sẽ có bài tham luận quan trọng tại phiên thảo luận chung tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Đã nhiều năm nay, chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới, và một nội dung rất quan trọng của quá trình đổi mới của chúng ta là quá trình hội nhập và việc coi trọng vai trò của Liên hợp quốc là tổ chức toàn cầu lớn nhất, có chức năng và có khả năng thúc đẩy điều phối, hợp tác giữa các nước để vượt qua những khó khăn chung, những vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng đến sự phát triển an ninh của tất cả các nước. Qua hoạt động này thể hiện chính sách cởi mở và nội lực hội nhập của chúng ta.

Vào tháng 10, có nghĩa là chỉ còn vài ngày nữa, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐBA Liên hợp quốc lần thứ 2 trong nhiệm kỳ chúng ta là Uỷ viên không thường trực HĐBA. Vậy chúng ta đã chuẩn bị như thế nào để có thể làm tốt vai trò này?

Lần này, Hội đồng trong tháng chúng ta làm Chủ tịch sẽ đàm thảo khoảng 20 vấn đề liên quan đến tất cả các khu vực. Dự kiến trong tháng chúng ta làm Chủ tịch HĐBA, sẽ thương lượng để thông qua 4 nghị quyết, trong đó có nghị quyết ra hạn phái bộ của Liên hợp quốc tại Haiti và đặc biệt, chúng ta đưa ra sáng kiến và tổ chức một cuộc thảo luận mở về vấn đề phụ nữ và hòa bình, an ninh. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm sẽ chủ trì phiên thảo luận mở này.

Mời Quý độc giả theo dõi Video:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước