Quản lý đất đai ở xã: Những câu chuyện trầm kha…

Tiêu Điểm-Thứ tư, ngày 24/07/2013 16:21 GMT+7

 Có những câu chuyện tưởng như đã rõ ràng, nhưng lại giải quyết không kiên quyết, đó chính là thực trạng về quản lý đất đai ở nhiều địa phương.

Cơ sở pháp lý yếu - người dân chịu thiệt

Huyện Phúc Thọ, Hà Nội có một xã mà đất đai bị ô nhiễm nặng nề, tìm hiểu mãi nhân dân mới phát hiện ra đó là nước thải do các xưởng mạ kim loại chảy vào đồng ruộng của mình và chính UBND xã là đơn vị đã cấp đất cho các xưởng mạ hoạt động.

Người dân địa phương đã có đơn kiến nghị lên huyện. Gần 2 năm sau, huyện mới đưa ra được kết luận sai phạm và đình chỉ hoạt động của các xưởng mạ, nhưng đó chỉ là trên giấy tờ.

Theo những người dân, hiện có gần 1.000 người bị ảnh hưởng bởi các xưởng mạ kim loại. Đại diện UBND huyện Phúc Thọ cũng khẳng định, sai phạm trong việc cấp đất của UBND xã Liên Hiệp đã rõ ràng và huyện đã kỷ luật các cá nhân liên quan đến vụ việc này. Tuy nhiên, việc xử lý các sai phạm ra sao lại không phải thẩm quyền của huyện.

“Việc đình chỉ là thẩm quyền của thành phố, Sở TN&MT, huyện chỉ có trách nhiệm yêu cầu xã tạm ngừng sản xuất”, ông Nguyễn Việt Liên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, Hà Nội nói.

Không chỉ dừng ở sai phạm khi cấp đất cho các xưởng mạ, UBND xã Liên Hiệp còn cấp đất sai cho 8 dự án trong địa bàn. Theo những người dân, diện tích đất này để phát triển kinh tế địa phương và ưu tiên cho người dân trong xã, nhưng thực tế họ lại không được làm chủ.

Ông Nguyễn Việt Liên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ nói: “Theo quy đinh xã Liên Hiệp không được bán đất cho người ngoài địa phương nhưng xã lại bán, chúng tôi đã ra quyết định cắt chức Chủ tịch xã và tới đây sẽ thu hồi đất giao lại cho xã để xã quản lý, sau đó sẽ giao lại cho người dân nếu dân có nhu cầu”.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này những vấn đề tại xã Liên Hiệp vẫn tồn tại y nguyên như nhiều năm qua và người dân vẫn sống trong những nỗi bức xúc.

‘ Ảnh: VTV News

Ở xã Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội lại là một vấn đề khác, vụ việc tưởng như rất đơn giản tuy nhiên lại không thể giải quyết trong nhiều năm qua.

Chuyện bắt đầu từ việc chính quyền xã xác định gia đình bà Nguyễn Thị Oanh đã chiếm 65 m2 đất công, nhưng gia đình lại không công nhận quyết định của xã. Cái lý mà họ đưa ra là quyển sổ đỏ được cấp năm 1992, trong đó ghi họ được sở hữu 65 m2 đất ao, trong khi đó chính quyền xã lại không thể chỉ được đất ao ở đâu giữa bốn bề là đất thổ cư từ những năm 1930.

Vậy sổ đỏ bị ghi sai? Chính quyền xã không đúng? Hay gia đình nhà bà Oanh cố tình chiếm đất công? Những câu hỏi dễ hiểu nhưng không dễ trả lời và thế là khiếu kiện lại kéo dài. Trong lần cưỡng chế tháng 11/2012 của chính quyền xã, khu đất 65 m2 đã được rào lại. Cũng từ đó mà đơn kiện của gia đình bà Oanh đã tỏa đi khắp nơi, bên nào cũng có cái lý của mình.

Anh Phạm Thừa Ninh, cán bộ địa chính xã Cát Quế, Hoài Đức nói: “Đối với trường hợp của gia đình nhà bà Oanh, chúng tôi đã làm đầy đủ các thủ tục theo quy đinh của pháp luật và cưỡng chế mảnh đất lấn chiếm tại gò Trung Quân theo đúng trình tự và quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, dân làng lại có suy nghĩ khác…

Anh Mai Anh Tập xã Cát Quế, Hoài Đức nói:“Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, năm nay tôi 45 tuổi, giấy tờ thế nào tôi không biết nhưng từ khi tôi lớn lên đúng là bà Hai (bà Nguyễn Thị Oanh) có đất ở đây rồi”.

Nhân vật chính của câu chuyện trên, bà Oanh - chủ của mảnh đất cho hay: “Gia đình tôi mua đất, nhưng xã cứ bắt ép tôi nhận là lấn chiếm nên tôi không nghe và phải đưa đơn lên trên kêu các cấp lãnh đạo”.

Con đường vòng quanh của lý lẽ

Lý lẽ mà gia đình bà Oanh đưa ra là quyển sổ đỏ được cấp cho chồng bà - ông Lê Văn Phát vào năm 1992. Trong đó ghi rất rõ gia đình bà có sở hữu một diện tích ao rộng 65 m2. Bản đồ địa chính của xã cũng xác định như vậy. Nó thể hiện trên bản đồ với ký hiệu thửa 138a, tuy nhiên đây lại là đất thổ cư từ rất lâu.

Anh Lê Văn Hiển - con trai bà Oanh nói: “Căn cứ theo số thửa, cán bộ xã chỉ chúng tôi vào vị trí của một hộ khác thì làm sao tôi sử dụng được?”

Chính quyền xã Cát Quế khẳng định việc cưỡng chế là hoàn toàn đúng và việc gia đình bà Oanh nhận đất như vậy là do họ dựa vào quyển sổ đỏ bị ghi sai, chính quyền xã đã nhiều lần mời gia đình lên để chữa lại cho đúng, nhưng gia đình không chấp nhận.

Về việc cưỡng chế, gia đình bà Oanh đã gửi đơn thư tới nhiều cơ quan các cấp để khiếu kiện, dường như mọi việc đang được giải quyết theo đúng trình tự, chỉ có điều là từ hơn 1 năm nay gia đình bà vẫn chưa nhận được câu trả lời, mọi việc đang rơi vào im lặng kéo dài.

Anh Phạm Thừa Ninh, cán bộ địa chính xã Cát Quế cho biết: “Hiện nay, Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức đang thụ lý giải quyết khiếu nại trường hợp nhà bà Oanh. Với xã Cát Quế, chúng tôi đã giải quyết theo đúng thẩm quyền”.

Anh Hiển xã Cát Quế - con trai bà Oanh cho biết thêm: “Nguồn gốc đất là do bố mẹ tôi mua, 40 năm qua chưa có 1 cấp nào thu hồi đối với diện tích đất ao nhà tôi, nhà tôi sử dụng liên tục và cải tạo thành vườn. Giấy chứng nhận ghi rõ là 65 m2 đất ao, nhà tôi chỉ sử dụng ở đó thôi, chứ không thể sử dụng ở chỗ khác được. Năm 2009 gia đình tôi đã ra làm việc với ủy ban xã, yêu cầu trả lời bằng văn bản chỉ rõ 65 m2 đất ao này ở đâu? UBND xã đã không chỉ rõ và chỉ nói bâng quơ đất ở 1 hộ khác, mà thực tế gia đình tôi không sử dụng, vô lý ở chỗ đó.

Đã có nhiều đơn thư chúng tôi gửi về yêu cầu huyện giải quyết mà huyện không giải quyết. Theo luật dân sự và luật hành chính, giấy chứng nhận của Nhà nước cấp do tòa án giải quyết chứ không phải do ủy ban xã. Cấp nào cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cấp đó mới có quyền thu hồi, chứ ủy ban xã không có quyền thu hồi đất của gia đình nhà tôi”.

Từ tháng 3 đến tháng 11/2011, đất nhà bà Oanh đã 2 lần bị cưỡng chế, gia đình bà cũng đã gửi đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức. Tuy nhiên, dù đã thụ lý từ tháng 11/2011, nhưng đến nay Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức vẫn chưa thể đưa vụ việc này ra xét xử.

Nhà báo Vũ Văn Tiến, Trưởng ban bạn đọc báo Dân trí cho hay: “Riêng báo tôi viết về việc này đã gần 10 bài rồi. Tôi thấy việc vi phạm luật khiếu nại tố cáo rất rõ ràng trong trường hợp này, bản thân nhà bà Oanh khiếu kiện rất nhiều, tuy nhiên UBND huyện Hoài Đức không có biện pháp xử lý dứt điểm vụ việc. Tôi cảm giác đây như một cái boong-ke bất khả xâm phạm. Báo chí nói rất nhiều mà họ cứ làm ngơ”.

Bà Oanh cho biết, do bất bình với việc cưỡng chế trái thẩm quyền của UBND xã, cách xử lý kéo dài của chính quyền huyện và thành phố, gia đình bà đã nhiều lần khiếu nại vượt cấp lên trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, sau đó 1 thời gian đơn khiếu nại, tố cáo của bà lại được chuyển ngược trở về về địa phương để giải quyết theo thẩm quyền.

Mời quí vị theo dõi chi tiết câu chuyện trên qua VIDEO phóng sự dưới đây

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước