Quảng cáo ngoài trời: Tiền kiểm hay hậu kiểm?

Thái Thanh-Thứ tư, ngày 30/05/2012 07:00 GMT+7

Cho dù kinh tế tăng trưởng chậm, quảng cáo tấm lớn ngoài trời vẫn phát triển và trở thành công cụ không thể thiếu với DN. Điều các DN mong đợi nhất khi có Luật Quảng cáo là bỏ cấp phép quảng cáo ngoài trời hiện nay.

Để một tấm biển quảng cáo xuất hiện, mỗi công ty quảng cáo phải làm hàng loạt các thủ tục để xin hơn 20 chữ ký với kết quả cuối cùng là có được giấy phép. Vì vậy, điều các doanh nghiệp quảng cáo mong đợi nhất khi có Luật Quảng cáo là bỏ việc cấp phép quảng cáo ngoài trời hiện nay, thay vào đó là quản lý bằng quy hoạch và chế độ hậu kiểm.

Ông Phạm Bá Dũng, Phó chủ tịch hiệp hội quảng cáo Hà Nội cho rằng: “Nếu chúng ta vẫn tiếp tục áp dụng hình thức cấp phép xin thì vô hình chung đó là một dạng biến thể của cơ chế xin cho. Chúng ta phải làm sao bỏ tư duy đó đi, tư duy đó lạc hậu quá rồi, mà nên theo tư duy đổi mới văn minh hơn, hiện đại hơn. Chúng ta nên tập trung xây dựng vào cơ chế hậu kiếm, cơ chế hậu kiểm ở đây là đưa ra các chế tài, định chế thật nghiêm khắc, cụ thể để các doanh nghiệp biết rằng, nếu làm sai sẽ bị xử phạt, thậm chí là rút giấy phép”.
Nhưng cơ quan quản lý nhà nước thì lại lo ngại nếu không có các quy định cụ thể, có thể bằng giấy phép, thì vấn đề an toàn cho các tấm biển quảng cáo ngoài trời sẽ được đảm bảo thế nào. Điều 32 dự thảo luật Quảng cáo yêu cầu: Việc xây dựng màn hình quảng cáo ngoài trời, biển hiệu, biển quảng cáo độc lập có diện tích từ 20 m2 trở lên phải xin giấy phép xây dựng. Dự thảo luật cũng đưa ra trình tự, thủ tục cấp phép xây dựng.
Ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu ý kiến: “Bỏ cấp phép về quảng cáo, nhưng với những quảng cáo tấm lớn thì vẫn phải có cấp phép của cơ quan quản lý về xây dựng để đảm bảo an toàn trong xây dựng, vật liệu xây dựng, thực hiện đúng quy chuẩn về xây dựng. Nếu liên quan đến hành lang đường bộ thì nếu đặt tấm biển quảng cáo đó, phải có cơ quan về giao thông”.
Với quảng cáo trên báo chí, dự thảo luật không cho phép báo chí quảng cáo trên trang nhất với báo in và quy định cụ thể thời lượng quảng cáo trên truyền hình, không được quảng cáo trên một số chương trình truyền hình, không được ngắt quảng cáo quá 2 lần trong phim truyện, không quá 4 lần với chương trình giải trí.
Cũng theo ông Lê Như Tiến: “Đối với báo hình, báo nói cũng có quy định thời lượng của quảng cáo từ 10-15% thời lượng của một chương trình, hoặc trong một ngày của một chương trình truyền hình, chứ không thể mở rộng quảng cáo đến mức muốn quảng cáo bao nhiêu cũng được, nhưng cũng rất cởi mở là trừ những chương trình chuyên quảng cáo, thì có thể quảng cáo cả ngày”.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng có một số điều khoản quy định chặt chẽ vấn đề xử lý vi phạm, bối thường thiệt hại, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi quảng cáo sai sự thật, gây thiệt hại nghiêm trọng. Chính phủ cũng đã cung cấp hai dự thảo nghị định và một thông tư hướng dẫn để đảm bảo khi thông qua, Luật Quảng cáo có thể thực thi được ngay.
Theo chương trình, ngày 30/5, các ĐBQH sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quảng cáo. Dự án này đã được thảo luận tại tổ và tại hội trường trong phiên họp thứ hai (tháng 11/2011).

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước