Quốc hội sẽ thông qua Hiến pháp 1992 (sửa đổi) vào hôm nay (28/11)

Thái Thanh-Thứ năm, ngày 28/11/2013 04:00 GMT+7

 Hôm nay (28/11), Quốc hội sẽ thông qua Hiến pháp 1992 (sửa đổi). Đây là sự kiện quan trọng được cử tri cả nước mong chờ.

Đây là văn bản pháp lý quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong nhiều năm tới, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 trong đó nhấn mạnh đến quyền làm chủ của người dân đồng thời, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy nhà nước có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực.

‘ Hiến pháp 1992 (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào hôm nay. (Ảnh minh họa: Pháp luật)

Để có được dự thảo cuối cùng được đọc tại hội trường vào sáng nay (28/11), Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân và giải trình cụ thể những vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu ra khi thảo luận về dự thảo Hiến pháp tại 3 kỳ họp Quốc hội gần đây. Vấn đề được đánh giá cao, là hiến pháp lần này đã đề cao vấn đề quyền con người, quyền công dân, và đặc biệt là quyền làm chủ của nhân dân.

Ông Nguyễn Đình Quyền, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết: “Chủ quyền nhân dân được thể hiện thông qua mô hình tổ chức bộ máy, nguyên tắc hoạt động của bộ máy nhà nước, thông qua mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân, thông qua các phương diện dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, thông qua chế độ sở hữu và thông qua các thiết chế kiểm soát quyền lực và phản biện xã hội. Tức là chủ quyền nhân dân được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau chứ không chỉ là quyền và nghĩa vụ của nhân dân”.

Bên cạnh quyền của người dân, mô hình tổ chức bộ máy nhà nước ở địa phương cũng là vấn đề được đại biểu Quốc hội ghi nhận, đã có những đổi mới và đây là một trong hai vấn đề cuối cùng được Ban soạn thảo xin ý kiến bằng văn bản từ các đại biểu Quốc hội trước khi thực hiện bỏ phiếu thông qua vào hôm nay.

Ông Trần Ngọc Vinh, Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng phát biểu: “Trước đây cũng định bỏ luôn HĐND, nhưng kỳ này cũng đã tiếp thu. Ở đâu có UBND thì ở đó phải có tổ chức HĐND. Như vậy, để sau này chúng ta có nếu ở đâu đủ điều kiện thì sẽ thành lập chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn thì sẽ tách biệt ra”

Ông Bùi Văn Xuyền, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết: “Đến giờ phút này thì tôi thấy bản dự thảo trình ra Quốc hội lần này là khá hoàn chỉnh, rất gọn gàng. Việc thông qua Hiến pháp sửa đổi sẽ là tiền đề quan trọng để sửa đổi một loạt các nội dung liên quan về tổ chức bộ máy, về thể chế kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu về thời kỳ mới trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam”.

Sau khi thông qua Hiến pháp, theo kế hoạch, vào ngày mai (29/11) - ngày họp cuối cùng của kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội sẽ thông qua Luật Đất đai sửa đổi.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước