Quốc hội thảo luận Bộ luật Tố tụng dân sự

Thu Huyền-Thứ năm, ngày 25/11/2010 13:00 GMT+7

Sáng nay, các ĐBQH đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật tố tụng dân sự.

Nhất trí với phạm vi sửa đổi như trong dự thảo Luật, các đại biểu đã đóng góp ý kiến xung quanh một số vấn đề về vai trò của Viện kiểm sát; quy định về bản án Giám đốc thẩm và tái thẩm; quy định về Hội đồng định giá tài sản…

Từ thực tế các vụ án dân sự càng ngày càng trở nên phức tạp, số vụ án bị hủy bản án, các vụ án đề nghị Giám đốc thẩm, tái thẩm ngày càng tăng lên, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự lần này là rất cần thiết, hạn chế những bất cập như kéo dài việc xét xử tại phiên tòa, kéo dài bản án... đảm bảo tính công khai minh bạch trong xét xử.

Thảo luận về vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân, các đại biểu nhất trí với nội dung sửa đổi theo hướng đề cao vai trò vủa Viện kiểm sát tham gia 100% vào các vụ án dân sự. Tán thành với quy định chức năng của Viện kiểm sát là giám sát việc thực thi xét xử của tòa án tại phiên tòa.

Thảo luận về các quy định xem xét bản án Giám đốc thẩm và tái thẩm, một số đại biểu đề nghị, hiện nay cơ chế xem xét lại bản án Giám đốc thẩm và tái thẩm vẫn còn nhiều bất cập, khiến cho các vụ xét xử bị kéo dài từ sơ thẩm, phúc thẩm đến giám đốc thẩm và tái thẩm, quy trình này bị lặp đi lặp lại nhiều lần. Do vậy, để bản án của Tòa án đảm báo tính nghiêm minh, nên có những quy định để có điểm dừng trong các bản án Giám đốc thẩm và tái thẩm.

Về những quy định liên quan đến việc cung cấp các xác minh xuất trình chứng cứ của đương sự, có đại biểu đề nghị đây là vấn đề cần phải cân nhắc, vì ở nước ta, trình độ dân trí còn thấp, nhiều người dân chưa hiểu hết về luật pháp nên không chịu hợp tác với các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, thói quen của người dân là mua bán trao tay, ít có các chứng từ đảm bảo luật pháp nên việc xác minh, cung cấp chứng cứ rất khó khăn. Do vậy cần quy định việc xác minh cung cấp chứng cứ chủ yếu là do các cơ quan chức năng đảm nhiệm, còn đương sự cung cấp chứng cứ, bên cạnh đó, đối với những chứng cứ, xác minh là bản sao thì cần phải được cung cấp cả bản gốc để đối chiếu, tránh tình trạng phải xem xét lại bản án vì chứng cứ không đủ hợp lệ.

Thảo luận về những quy định liên quan đến định giá các tài sản tranh chấp, các đại biểu nhất trí với việc nên có một Hội đồng thẩm định tài sản riêng, không phải Hội đồng thẩm định tài sản của Tòa án vì sẽ đảm bảo được tính khách quan.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị, để tránh tình trạng Hội đồng thẩm định tài sản của Bộ Tài chính phải thẩm định nhiều lần thì nên chỉ khi đương sự không chấp nhận theo quy định của Hội đồng thẩm định tài sản của Tòa án thì mới mời Hội đồng thẩm định tài sản của Bộ Tài chính.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước