Quốc hội thảo luận dự án Luật Thủ đô

-Chủ nhật, ngày 28/10/2012 07:11 GMT+7

Ảnh: HNM

Chiều qua (27/10), Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thủ đô. Đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật, nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Quản lý dân cư là một vấn đề thu hút được sự quan tâm đóng góp của đông đảo các đại biểu. Nêu một số dẫn chứng từ thực tế tình trạng gia tăng dân số ở Thủ đô hiện nay đã gây áp lực về giao thông, trường học, chỗ ở, y tế, việc làm…, nhiều đại biểu đề nghị: Việc quy định điều kiện đăng ký nhập hộ khẩu vào nội thành Hà Nội cần phải chặt chẽ hơn.

Bà Phạm Thị Hồng Nga - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội có ý kiến: “Chúng tôi vẫn phải tạo mọi điều kiện cho mọi người đi học, kể cả KT1, KT2 , KT3, KT4. Nhưng để chúng tôi còn biết đối tượng nào có hộ khẩu chính thức thì để xếp học trường công lập ở khu vực đó, còn lại phân tuyến học trường khác. Nếu dân cư tiếp tục tăng thế này thì trường lớp rất khổ, mà sĩ số cao tỷ lệ nghịch với chất lượng”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam phát biểu: “Phải có những điều kiện tương đối phù hợp với hoàn cảnh đất nước trong từng thời kỳ để có thể có một Thủ đô với mức độ dân cư cần thiết, đúng mức để là trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước. Nếu nhập cư tự do, không có bất cứ điều kiện nào sẽ rất khó khăn”.

Về chính sách, cơ chế tài chính, có đại biểu cho rằng, ngân sách dành cho Thủ đô không chỉ đáp ứng nhu cầu quản lý, phát triển riêng cho thành phố Hà Nội mà còn phải bảo đảm cho các hoạt động đối nội, đối ngoại của quốc gia, hoạt động của các cơ quan, tổ chức trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô. Vì vậy, phải ưu tiên cho vấn đề này.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu - Đại biểu Quốc hội Tỉnh Thanh Hóa có đề nghị: “Cũng phải có sự ưu tiên về ngân sách, về cơ chế chính sách để phát triển Thủ đô. Đây cũng là bộ mặt và nhiều công trình Quốc gia của cả nước nên nguồn lực đầu tư, phải lớn hơn, phải chi nhiều hơn. Nhưng những khoản thu nào, cũng không nên ghi quá cụ thể vào trong này, nên viết thế nào để người ta thấy đó là nguyên tắc để sau này vận dụng khi điều hành ngân sách...”.

Cho ý kiến về biểu tượng của Thủ đô, nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình với biểu tượng Khuê Văn Các tại Văn Miếu và cho rằng biểu tượng của Thủ đô là biểu tượng của cả nước, cho nên cần quy định cụ thể trong Luật. Tuy nhiên, cũng có đại biểu đề nghị không nên quy định cụ thể trong luật.

Ông Ngô Văn Minh - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Biểu tượng như thế nào? Khuê Văn Các hay cái nào? Hà Nội cũng dùng Khuê Văn Các là biểu tượng của Thủ đô... Nếu các nhà khoa học không còn điều gì bàn cãi nữa thì có thể chấp nhận được nhưng thẩm quyền nên giao cho HĐND TP Hà Nội, không nhất thiết phải đưa vào Luật Thủ đô”.

Các đại biểu cũng có chung nhận định: So với dự thảo Luật đã trình tại các kỳ họp trước, các quy định trong dự thảo Luật lần này đã được chỉnh lý lại phù hợp hơn, có tính khả thi cao hơn. Nếu được thông qua tại kỳ họp này, các điều luật liên quan sẽ tạo hành lang pháp lý để Thủ đô phát triển hơn nữa trong tương lai.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước