Quốc hội thảo luận Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi)

Thu Trà-Thứ ba, ngày 26/11/2013 19:51 GMT+7

 Sáng 26/11, thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), đa số các đại biểu Quốc hội không tán thành với việc bổ sung chế định ly thân vào Dự thảo Luật vì chưa đủ căn cứ thực tế.

Theo một số đại biểu, trong thực tế rất khó xác định một cặp vợ chồng đang trong tình trạng ly thân, vì đây là quan hệ rất riêng tư mà chỉ có hai người trong cuộc mới hiểu được. Có những cặp vợ chồng tuy sống cùng một nhà, ăn cùng một mâm nhưng họ vẫn ly thân. Do đó, không thể định nghĩa ghi vào Dự thảo Luật là tình trạng hôn nhân của vợ chồng không có nghĩa vụ chung sống với nhau.

‘ Ảnh: VTV Online

Ông Lê Văn Hoàng - đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, phát biểu: “Tôi đề nghị cần có khảo sát về nhu cầu cần ly thân được tòa án công nhận theo yêu cầu của vợ chồng trên thực tế là bao nhiêu, để tránh tình trạng đưa vào Luật rồi sẽ không ai thực hiện. Mặt khác, bản chất của ly thân không trầm trọng như ly hôn, chỉ là tạm thời chia cắt về mặt tình cảm, còn những quan hệ khác không thay đổi, không chấm dứt quan hệ với con cái, quan hệ tài sản và quan hệ hai bên nội ngoại, nhưng Dự thảo Luật dường như đánh đồng giữa ly thân và ly hôn khi quy định các vấn đề liên quan, như vậy chẳng khác nào xem ly thân như là một bước để tiến tới ly hôn”.

Ông Phạm Đức Châu - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, cho biết:“Theo tôi không nên xem ly thân là một sự kiện pháp lý như ly hôn và ly thân không cần tới tòa án quyết định kể cả khi vợ chồng có yêu cầu. Luật chỉ nên quy định vấn đề ly thân mang tính nguyên tắc, tức là chúng ta tôn trọng quyền ly thân của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân”.

Dưới góc độ là phụ nữ, một số nữ đại biểu cho rằng, nếu như có quy định này sẽ có người lợi dụng tình trạng ly thân để biến ly thân thành hôn nhân treo, mà đối tượng thiệt thòi là phụ nữ và trẻ em.

Bà Khúc Thị Duyền - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, phát biểu: “Chế định sẽ ảnh hưởng đến tình cảm của 1 trong 2 bên, đặc biệt là tác động sâu sắc mọi mặt đến người vợ và con trẻ. Mục đích ly thân là nhằm giảm thiểu gay gắt xung đột trong quan hệ vợ chồng, nhưng trong thực tế cặp vợ chồng này không muốn để mọi người biết về mâu thuẫn giữa hai người và ngay cả họ hàng và cơ quan họ cũng không muốn để ai biết… như vậy, nếu ly thân cũng phải ra tòa như điểm 1, điểm 2 của điều 65, ngay cả thuận tình ly hôn cũng phải ra tòa để tòa thừa nhận, đây sẽ là việc công khai trước mọi người, nên chăng theo quan điểm của tôi là giải quyết ly hôn luôn".

Về vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, đa số các đại biểu cũng tán thành với quy định này, nhằm đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của các cặp vợ chồng không có khả năng sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình. Cũng trong sáng nay, với đa số phiếu tán thành, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Quý vị có thể theo dõi chi tiết các vấn đề trên qua VIDEO dưới đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước