Quốc hội thảo luận về kinh tế xã hội

Thái Thanh-Thứ tư, ngày 22/05/2013 19:38 GMT+7

Thảo luận tại tổ, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, lạm phát từng bước được kiềm chế.

Chính phủ cũng đã rà soát, cắt giảm đầu tư công, tỷ trọng đầu tư của nền kinh tế đã giảm. Giảm đầu tư, cũng có nghĩa là phải hy sinh mục tiêu tăng trưởng.

Ông Phạm Bình Minh, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Hiện nay chúng ta cần rất nhiều nguồn vốn, nhưng có thể thấy các nguồn vốn đầu tư xã hội trên tổng GDP trong những năm gần đây giảm liên tục. Những yếu tố quan trọng cho phát triển kinh tế đều gặp khó khăn, ví dụ như vốn đầu tư xã hội trong những năm qua liên tục giảm. Năm 2008, chúng ta giành 43% GDP cho đầu tư phát triển, nhưng đến 2012 chỉ còn 33%, quý I năm nay chỉ còn 29%”.

Lạm phát giảm, đã tạo điều kiện cho ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Trong vòng 18 tháng qua, lãi suất liên tục giảm, nhưng vấn đề mà các doanh nghiệp gặp phải không chỉ là giảm lãi suất, mà là sức mua của thị trường.

Ông Đỗ Văn Vẻ, ĐBQH tỉnh Thái Bình thẳng thắn phát biểu: “Lãi suất ngân hàng tuy có giảm, nhưng doanh nghiệp lúc này cũng không hồ hởi như giai đoạn trước, còn những doanh nghiệp đang cần vay vốn thì xét về tiêu chí lại không đủ tiêu chuẩn, đặc biệt là sức mua trên thị trường giảm rất nhiều. Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp là không có đầu ra, cho nên mặc dù ngân hàng giảm lãi suất xuống nhưng vay để làm gì?”.

Ông Thuận Hữu, ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng: “Lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp không hấp thu được. Theo tôi, cái ưu tiên lớn nhất là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, để tháo gỡ khó khăn cho đời sống và đẩy sức mua toàn xã hội lên. Một vấn đề nhức nhối nữa là bất động sản, mình “chôn” vào đó hàng trăm ngàn tỷ đồng, mà cái thứ đó không “đẻ” ra cái gì cả, không sinh lợi…”.

Bên cạnh 6 nhóm giải pháp đã được Chính phủ trình bày trong báo cáo, một số đại biểu đã đưa thêm các đề xuất như phát hành trái phiếu, tiếp tục đầu tư các dự án dang dở hiện đang bị tạm ngừng để thực hiện tái cơ cấu đầu tư công.

Ông Vũ Công Tiến, ĐBQH tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: “Các dự án và công trình dân sinh phục vụ cho sản xuất phải tiếp tục được khởi công. Các dự án đã khởi công như hồ chứa nước ở Cát Tiên phục vụ cho hàng ngàn dân ở vùng căn cứ cách mạng. Người ta rất khó khăn, bây giờ mình khởi công rồi bỏ đó”.

Thách thức của Chính phủ là vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa phải kiềm chế lạm phát, đồng thời cần sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành và địa phương. Vì vậy, năng lực dự báo, nắm bắt tình hình cùng với các số liệu thống kê chính xác cần phải liên tục được cập nhật để các quyết định đưa ra đảm bảo sát thực tế, giúp nền kinh tế dần đi vào quỹ đạo phát triển bền vững.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước