Quốc hội thảo luật về dự án Luật KHCN sửa đổi

Thái Thanh -Thứ bảy, ngày 25/05/2013 20:20 GMT+7

 Sáng nay (25/5), sau khi nghe báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) do ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội trình bày, các ĐBQH đã thảo luận tại hội trường về dự thảo luật này.

Dự thảo Luật Khoa học Công nghệ, đã được QH thảo luận tại kỳ họp thứ Tư. Tại phiên họp sáng nay, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào một số vấn đề như: các quy định chung về tổ chức khoa học công nghệ; các biện pháp phát triển nguồn nhân lực cho khoa học công nghệ; tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ và ứng dụng; việc đấu thầu trong thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ; cơ chế tài chính, thuế, tín dụng với hoạt động khoa học và công nghệ.

Để khoa học công nghệ thực sự phát huy vai trò trong quá trình phát triển, một số đại biểu cho rằng dự thảo luật cần phải quy định mang tính bắt buộc việc xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội phải bao gồm cả quy hoạch phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ, có như vậy mới đảm bảo cho khoa học phát triển đúng hướng.

Đồng tình với dự thảo luật về việc cần phải có chính sách ưu tiên hơn cho phát triển khoa học công nghệ, nhưng có một số ý kiến cho rằng, luật cần tạo ra sự khuyến khích của xã hội đối với hoạt động này, chứ không chỉ bó hẹp trong việc khuyến khích của Nhà nước

Ông Trịnh Ngọc Thạch - ĐBQH TP Hà Nội đề xuất: “Trong dự thảo luật có quá nhiều quy định nói Nhà nước khuyến khích cái này, cái kia trong hoạt động khoa học công nghệ, theo tôi không cần thiết phải ghi như vậy”.

Theo ông Đỗ Văn Vẻ - ĐBQH tỉnh Thái Bình, các chính sách phải cụ thể để dễ thực hiện.

Còn ông Trần Văn Minh, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: “Dự thảo luật cần đi vào các vấn đề cụ thể hơn, tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn trong hoạt động khoa học công nghệ hiện nay”.

Cơ chế tài chính là một trong những vướng mắc lâu nay cũng đã được các ĐBQH đề cập để nó không còn là cản trở đối với hoạt động này.

Bà Mai Thị Ánh Tuyết, ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng cần có hình thức khoán chi trong hoạt động khoa học công nghệ cũng như các hình thức bị cấm đối với hoạt này.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị cần có quy định cụ thể về việc sở hữu, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà khoa học; cơ chế phân chia lợi nhuận thu được từ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ. Theo kế hoạch, Luật khoa học công nghệ sửa đổi, sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 này.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước