Rác thải nguy hại ồ ạt vào Việt Nam

Nguyễn Sơn-Chủ nhật, ngày 17/10/2010 16:00 GMT+7

Lợi dụng sự thông thoáng của Luật Hải quan, sự thiếu chặt chẽ trong Luật hàng hải và Luật BVMT, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước đã móc nối vận chuyển rác thải nguy hại về VN dưới hình thức xuất nhập khẩu hoặc tạm nhập tái xuất sang nước thứ ba.

Tại Hải Phòng, hiện có hàng trăm container như vậy mới bị phát hiện và doanh nghiệp đứng tên nhận hàng đã từ chối nhận để thoái thác trách nhiệm.

15 container nhựa phế liệu bẩn, lẫn nhiều tạp chất nguy hại mới bị lực lượng Cảnh sát Môi trường và Hải quan TP.Hải Phòng kiểm tra, phát hiện, đó là những container đầy ắc quy chì đã qua sử dụng. Tất cả đều là những chất thải nguy hại, nghiêm cấm nhập khẩu dưới mọi hình thức, nhưng được chuyển từ Hong Kong về Hải Phòng đang chờ làm thủ tục tạm nhập vào Việt Nam để tái xuất đi Trung Quốc. Ngay lập tức, công ty đứng tên nhận trong vận đơn đã có văn bản từ chối nhận với lý do: Hàng không đúng hợp đồng.
Thượng tá Trần Quốc Tỏ, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCTP về MT cho biết: “Lợi dụng khoản 2, điều 39 Luật thương mại có quy định: “Bên mua có quyền từ chối nhận hàng nếu hàng hóa không phù hợp với hợp đồng”. Vì vậy, khi bị các cơ quan chức năng phát hiện hàng hóa vi phạm, doanh nghiệp đã chủ động gửi văn bản đến hãng vận tải và cơ quan chức năng để từ chối nhận hàng với lý do không đúng hợp đồng”.
Chỉ cần xuất trình hợp đồng mua bán thể hiện toàn những mặt hàng hợp pháp là doanh nghiệp có thể từ chối nhận hàng và đổ hết lỗi cho đối tác nước ngoài. Nhưng hàng loạt vụ việc tương tự diễn ra trong suốt thời gian dài, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm được ai để quy trách nhiệm.
Trung tá Phạm Văn Duy, Phòng Cảnh sát PCTP về MT (Công an Hải Phòng): “Qua xác minh của cơ quan chức năng Việt Nam, đề nghị với Interpol quốc tế xác minh xem thực trạng phía đơn vị gửi hàng bên kia ghi trên vận tải đơn có thực không, và người ta có ký kết hợp đồng vận tải hàng hóa với người nhận hàng - đơn vị nhận phía Việt Nam hay không thì thực tế là không có”.
Cuối cùng, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương buộc phải gánh chịu hậu quả. Ngoài tác hại không nhỏ tới môi trường, thì việc tiêu hủy mỗi container rác thải tiêu tốn hàng chục triệu đồng. Để hạn chế tình trạng này, dư luận đang rất mong chờ Dự thảo sửa đổi quy định về đối tượng được tham gia nhập khẩu phế liệu trong Thông tư liên tịch số 02/2007 của Bộ Công thương và Bộ TN-MT cho phù hợp với thực tiễn.
Ông Trần Thế Loãn, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ TN-MT: “Hiện nay có 2 luồng ý kiến, một là chỉ cho phép những nhà sản xuất có nhu cầu sử dụng phế liệu nhập khẩu để trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất, thứ hai là muốn mở rộng đối tượng được phép nhập khẩu hơn, tức là cho phép cơ sở sản xuất ủy thác cho 1 đối tượng khác, cho 1 thương nhân khác để nhập khẩu phế liệu cho mình”.
Tại Hải Phòng, hiện có hàng nghìn container hàng tạm nhập tái xuất tồn đọng, trong đó có hàng trăm container là những phế liệu, rác thải nguy hại đã bị từ chối nhận. Tất cả đều có liên quan tới đối tượng nhập phế liệu với mục đích phân phối - kinh doanh. Nếu Thông tư 02 sửa đổi tiếp tục cho phép đối tượng này tham gia xuất nhập khẩu phế liệu, thì các tổ chức kinh tế, cá nhân trong và ngoài nước sẽ tiếp tục cấu kết với nhau để vận chuyển ồ ạt rác thải nguy hại vào Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước