Rào cản phát triển nguồn lực miền núi

Anh Thư-Thứ tư, ngày 15/08/2012 11:30 GMT+7

Mặc dù Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách cho vùng dân tộc miền núi nhưng bất cập trong thực tiễn đang là rào cản lớn cho phát triển nguồn nhân lực. Hiện, 47/53 dân tộc đang ở tình trạng càng lên cấp học cao, số người đi học càng ít.

Những lớp học đơn sơ, chông chênh giữa núi đồi thường thấy ở vùng cao. Ảnh: Dân trí

Theo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, tỷ lệ dân số hiện nay tại miền núi không biết chữ rất cao, đặc biệt là trung du miền núi phía Bắc 12,7% và Tây Nguyên là 11,3%. Thực tế này có nguyên nhân từ việc phát triển hệ thống giáo dục tại miền núi, với một hệ thống thiếu hoàn chỉnh từ cấp mầm non đến đại học, dạy nghề, đã làm cho khu vực này có nhiều dân tộc gần như lao động không được qua đào tạo, lao động chủ yếu tham gia nghề nông và các nghề đơn giản.
Theo đánh giá của UNDP tại Việt Nam, đến thời điểm này, các chỉ tiêu Thiên niên kỷ tại miền núi đều thấp hơn mặt bằng chung của cả nước. Dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14% dân số nhưng tỷ lệ hộ nghèo lại chiếm đến 50% số hộ nghèo cả nước. Đại diện UNDP cho rằng, Việt Nam cần phải tìm giải pháp để tạo cơ hội bình đẳng cho người dân miền núi tiếp cận các chính sách phát triển nguồn nhân lực.
Theo đó một giải pháp được nhấn mạnh là tạo cơ hội tiếp cận giáo dục, y tế; có giải pháp để phát triển năng lực và cuối cùng là trao quyền cho đồng bào vùng cao, bên cạnh đó dạy tiếng Kinh cho trẻ miền núi từ cấp mầm non là một đòi hỏi cấp thiết; những chính sách như phát triển trường nội trú, chính sách cử tuyển… cần phải có sự điều chỉnh.
Tại Diễn đàn chính sách thực trạng và giải pháp phát triển nhân lực dân tộc miền núi đến năm 2020 do Ủy ban Dân tộc phối hợp với LHQ tại Việt Nam tổ chức, ý kiến của anh Lò Văn Thiên, xã Gia Hội, Văn Chấn, Yên Bái đã cho thấy thực trạng thực hiện chính sách cử tuyển. Thực tế tại xã anh, chỉ tiêu cử tuyển gần như không công khai mà chỉ gửi qua bưu điện, vì vậy chỉ có con em cán bộ xã mới tiếp cận được.
Giáo dục và y tế là hai lĩnh vực còn quá nhiều bất cập gây cản trở phát triển nhân lực cho miền núi, những hội nghị như thế này sẽ còn phải tiếp tục để có thể tìm ra giải pháp căn cơ cho địa bàn vùng cao khi mà con số lao động miền núi chưa qua đào tạo lên tới 80-90%, thậm chí đối với dân tộc La Hủ gần như không có ai đến trường.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước