Rau an toàn: Thiếu nhưng vẫn "bế tắc" đầu ra

Sỹ Khỏe-Thứ năm, ngày 21/03/2013 17:04 GMT+7

Khi rau sạch giá bán bằng rau bẩn, liệu người trồng rau sạch có duy trì được lâu? (Ảnh:images.vietpress.vn)

Nỗi lo của người trồng rau an toàn vẫn là đầu ra ổn định. Đây là chuyện không mới nhưng luôn có tính thời sự.

Trên địa bàn TP. Hà Nội đã có tới 31 dựa án phát triển rau an toàn, với tổng diện tích trên 4500 ha ở các vùng ngoại vi, trong đó đã có gần 2500 ha rau được quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng.

Hà Nội đang liên kết với các địa phương chuyển một khối lượng rau xanh được trồng theo quy chuẩn từ các nơi về nhằm đảm bảo cung ứng đủ cho người tiêu dùng. Tuy nhiên nhìn từ thực tế tại Hà Nội, khâu ách tắc nhất vẫn là hệ thống tổ chức tiêu thụ - một vấn đề không mới nhưng vẫn luôn mang tính thời sự.

Tại Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai các dự án đồng bộ về sản xuất, chế biến, đóng gói bao bì, dán tem nhãn và giới thiệu sản phẩm rau an toàn do sở NN & PTNT Hà Nội tổ chức, Hà Nội đã có 58 cửa hàng bán rau an toàn có kiểm soát.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, lượng rau được gọi là sản xuất theo quy trình an toàn ngay tại các vùng của Hà Nội còn rất ít so với nhu cầu của người tiêu dùng của người dân thành phố. Ngay rau xanh bình thường cũng mới chỉ đạt khoảng 60 % nhu cầu, còn rau an toàn thiếu rất nhiều. Bởi vậy TP. Hà Nội cũng đã ký kết hợp với các tỉnh thành khác để nhập rau an toàn.

Ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN & PTNT, Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đã ký với 9 tỉnh đưa rau về nhằm bổ sung, tạo điều kiện để nâng cao khả năng cung ứng của các địa phương”.

Trên thực tế, các vùng rau trọng điểm của Hà Nội cũng đã có những chuyển biến lớn về phương thức canh tác, tuân thủ yêu cầu của các quy trình sản xuất rau an toàn. Tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bị cấm và phân tươi hầu như không còn. Những điều này đã bước đầu tạo được lòng tin của người tiêu dùng.

Song, điều quan trọng nhất mà người trồng rau an toàn chưa thể yên tâm chính là khâu tiêu thụ. Do trồng rau theo quy trình sẽ mất nhiều công, năng suất thấp, sâu bệnh dễ phát sinh và chi phí cũng đắt hơn trồng rau bình thường.

Bà Nguyễn Thị Chỉnh, xã Thanh Đa, Phúc Thọ, Hà Nội: “Bán có lúc rẻ quá không đủ chi phí, chúng tôi cũng rất muốn có nơi tiêu thụ ổn định để giúp chúng tôi đảm bảo được nguồn vốn còn sản xuất”.

Ông Hoàng Văn Tùng, Chủ nhiệm HTX rau Thành Đa cho biết: “Các cơ quan chức năng tổ chức khâu tiêu thụ cho chúng tôi. Nhiều năm rau cả làng không bán được, bây giờ vẫn còn tình trạng nhiều nhà có nguy cơ không bán được, thất thu nhiều tỷ đồng”.

Một cây bắp cải ngon ở vùng rau an toàn Thanh Đa giờ đang bán với giá chỉ xấp xỉ 2000 đồng, trầy trật mãi mới có một tư thương từ miền Nam ra mua. Khi ngoài các chợ tự do, rau nào cũng giống rau nào, chẳng ai chịu trả giá cao hơn, thực sự trồng rau sạch đã khiến bà con thua lỗ nhiều hơn là lãi.

Có lẽ, khi những rủi ro của rau an toàn càng lớn, thì khả năng người trồng rau an toàn hàng hóa duy trì nghề theo quy chuẩn càng thấp.

Bà con trồng rau ở các vùng chuyên canh cho rằng, phương thức trồng rau An toàn, rau Việt Gap, hay rau Hữu cơ đều theo được, nhưng điều quan trọng nhất là khâu tiêu thụ phải được ổn định.

Nhiều người trồng rau hy vọng "giá có doanh nghiệp nào đó đến đặt mua rau cả đồng từ khi còn non theo giá thỏa thuận". Khi đó, người trồng rau sẽ bán ngay, cho dù sau giá có tăng lên 5 - 7 nghìn đồng đi chăng nữa. Tuy nhiên, điều này đến nay xem ra vẫn còn rất khó.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước