RIAV lý giải phương thức tính phí 2.000 đồng/bài hát karaoke

Minh Đức-Thứ hai, ngày 17/04/2017 06:00 GMT+7

VTV.vn - Ông Hoàng Anh Dũng - PGĐ Trung tâm Cấp phép và quản lý quyền RIAV đã đưa ra một số lý giải cho mức thu 2.000 đồng/bài hát cũng như lộ trình thu phí của hiệp hội.

Trong thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến việc Hiệp hội Công nghiệp Thu âm Việt Nam (RIAV) tiến hành thu phí tác quyền tại các trung tâm Karaoke trên toàn quốc. Nhiều người cảm thấy thắc mắc với mức phí 2.000 đồng/bài/năm mà hiệp hội đưa ra cũng như muốn biết lộ trình cụ thể thế nào. PV VTV News đã có cuộc trao đổi cùng ông Hoàng Anh Dũng - PGĐ Trung tâm Cấp phép và quản lý quyền để làm rõ hơn hoạt động thu phí của hiệp hội.

- Việc Hiệp hội Công nghiệp thu âm Việt Nam tiến hành thu phí tác quyền với các tác phẩm thuộc sở hữu tại các trung tâm Karaoke đang rất được dư luận quan tâm trong thời gian qua. Ông có thể cho biết lộ trình, thời hạn việc thu phí tác quyền từ trước đến nay hay không?

Công tác thu phí tác quyền đã được lên kế hoạch trong một thời gian dài và có lộ trình cụ thể. Từ quý II năm 2016, chúng tôi đã có lộ trình và kế hoạch rồi. Tuy nhiên, quý III và quý IV năm 2016 chỉ làm công tác tuyên truyền mà thôi. Sang quý I cũng như quý II năm 2017 thì chúng tôi tiến hành kiện toàn lại bộ máy bao gồm nhân sự, phương thức đi thu, cách thu thế nào và biểu phí ra sao. Trong thời gian quý I và quý II năm 2017 sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngoài việc truyền thông bằng các phương tiện thông tin đại chúng thì chúng tôi còn gửi công văn đến toàn bộ các trung tâm Karaoke trên toàn quốc, phải đảm bảo chủ của các trung tâm Karaoke nhận được công văn của Hiệp hội hướng dẫn họ về việc thu phí tác quyền. Trong công văn sẽ có hướng dẫn cụ thể và chúng đều dựa trên luật pháp, không hề làm mơ hồ.

- Những tác phẩm âm nhạc mà RIAV tiến hành thu phí là những tác phẩm như thế nào? Có phải sẽ thu phí toàn bộ hay không?

Hiệp hội chỉ thu phí những tác phẩm là sở hữu của hiệp hội mà thôi, không có chuyện thu ngoài những tác phẩm không thuộc sở hữu của hiệp hội.

- Nhiều người rất thắc mắc với mức phí tác quyền là 2.000 đồng/bài. Mức phí này tính toán theo cơ sở nào?

Nghị định số 85/2011/NĐ-CP có mục 45a quy định: "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành biểu giá, phương thức thanh toán nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất theo quy định tại khoản 1 Điều 26 và các khoản 1 và 2 Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi, bổ sung", nhưng đến bây giờ biểu phí vẫn chưa có.

Hiện có rất nhiều luồng thông tin nói rằng chúng tôi làm phí vô căn cứ vì nhà nước chưa ban hành biểu phí. Nhưng thực tế là đến nay nhà nước vẫn chưa có biểu phí cụ thể, mà đây là biểu phí mang tính chất dân sự. Chúng tôi tình nguyện đưa ra mức giá trên cơ sở tính toán để bên mua cảm thấy có lợi nhất. Nếu họ đồng thuận, việc giao dịch mua bán sẽ diễn ra. Đây là hoạt động dân sự thuần túy. Còn về việc tại sao lại đưa ra mức phí là 2.000 đồng/bài thì đây là 1 bài toán.

Chúng tôi tính 1 giờ đi hát trung bình tại quán là khoảng 150.000 đồng/giờ, đây là mức tiền trung bình vì thực tế có rất nhiều trung tâm Karaoke thu phí cao hơn nhiều. Trong 1 giờ cứ cho là khách sẽ hát được khoảng 10 bài, như vậy mỗi bài giá 15.000 đồng. 5% phí tác quyền liên quan tương đương với 750 đồng bài. Chúng tôi cũng tính toán mỗi 1 bài thì chỉ được chọn hát 3 lần trong 1 năm thôi thì nhân lên sẽ là khoảng 2.250 đồng. Vì là số lẻ nên chúng tôi đưa xuống làm tròn thành 2.000 đồng. Đây là mức phí không thể thấp hơn được nữa. Nếu các chủ trung tâm Karaoke muốn từ chối đóng phí thì có thể xóa bài hát ra khỏi đầu máy.

Để sản xuất 1 bản ghi thì sẽ mất từ 25 - 150 triệu đồng tùy tác phẩm, nếu thu phí 2.000 đồng so với số tiền ban đầu bỏ ra cho mỗi bài thì quả thật nó không hề lớn.

- Theo ông, việc thu phí tác quyền bài hát tại các cơ sở kinh doanh Karaoke hiện tại đang gặp những khó khăn nào?

Thuận lợi cũng có nhưng khó khăn thì cũng không ít. Chúng tôi quyết định nhấn mạnh công tác tuyên truyền để các chủ trung tâm kinh doanh karaoke hiểu rõ được luật trước đã. Nếu đã kinh doanh trong ngành nào thì bắt buộc phải hiểu luật của ngành đó. Nếu người ta chưa hiểu thì chúng tôi càng phải tuyên truyền mạnh cho người ta hiểu rõ ràng, biết được quyền liên quan là gì khi đó mới tiến hành đi thu được.

Đến hôm nay, có rất nhiều chủ cơ sở kinh doanh quan tâm và theo dõi đến lộ trình thu phí tác quyền vì việc này liên quan đến quyền lợi của họ. Chúng tôi đã gửi công văn đến từng trung tâm Karaoke và họ phản hồi tốt. Họ sẵn sàng đóng nhưng phải cho họ biết lộ trình cụ thể thế nào. Ban đầu, cũng có một số người cảm thấy khó chịu, nhưng sau khi giải thích rõ hơn thì họ cũng hiểu và đồng ý vì như vậy là làm đúng theo pháp luật. Hơn nữa, đây là một ngành kinh doanh có điều kiện nên tốt hơn hết là nên tuân thủ pháp luật.

Khó khăn lớn nhất chính là làm thế nào để các chủ trung tâm Karaoke biết được quyền liên quan là gì vì nhận thức của họ về quyền liên quan chưa có, chưa đầy đủ và trọn vẹn. Nếu tiến hành đi thu đột ngột sẽ khiến họ cảm thấy hoang mang. Do đó, chúng tôi nghĩ làm tốt việc tuyên truyền là vấn đề trước nhất.

- Trong mỗi đầu thu có đến hàng ngàn bài hát, làm thế nào để RIAV biết được đâu là bài hát mà Hiệp hội sở hữu để thu phí? Có cách nào để việc thu phí tác quyền được dễ dàng và minh bạch hơn không?

Chúng tôi có danh mục rõ ràng từng đầu Karaoke, chúng tôi sẽ đến ghi nhận, kiểm tra trên đầu máy đó có những bài hát nào là của chúng tôi. Chúng tôi dựa hoàn toàn vào danh mục các bài hát mà chúng tôi sở hữu, tuyệt đối không thu khoán vì rất cảm tính và không có tính chính xác.

Cũng có một số trung tâm Karaoke nói rằng, họ có những bài hát được hát nhiều, có bài được hát ít, có những bài thuộc sở hữu của RIAV nhưng không được hát thì phải làm thế nào. Trước câu hỏi này, chúng tôi chỉ có thể trả lời rằng những bài hát đó đã nằm trên đầu thu của các bạn rồi, có sử dụng hay không thì những bài hát vẫn còn ở đấy. Nếu các chủ trung tâm từ chối nghĩa vụ đóng phí thì có thể gỡ bài hát đó ra khỏi đầu Karaoke, việc đấy không làm sao cả.

- Theo lộ trình, RIAV sẽ tiến hành thu vào thời điểm nào, lựa chọn những tỉnh/TP nào để thu đầu tiên?

Cả nước có 63 tỉnh thành nên RIAV sẽ không có nhân sự đủ lớn để dàn trải thu phí toàn bộ trong cùng 1 lúc, vậy nên chúng tôi sẽ lựa chọn những địa phương lớn để làm trước. Trong quý III và quý IV năm 2016, chúng tôi đã đi thực địa để ghi nhận các trung tâm Karaoke ở 3 địa phương là Quảng Ninh, Bến Tre và Cần Thơ. Bắt đầu từ quý III năm 2017 chúng tôi mới bắt đầu triển khai đi thu tại các tỉnh thành trực thuộc trung ương như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ,... sau đó thực hiện thu cuốn chiếu đến hết.

- Theo ông, việc thu phí tác quyền bài hát có ý nghĩa, ảnh hưởng thế nào đối với nhà sản xuất ghi âm và ca sĩ, nhạc sĩ cũng như đối với người dân và các cửa hàng kinh doanh karaoke?

Thật ra, việc thu phí tác quyền đã có nhiều quốc gia làm trước chúng ta từ lâu rồi. Chúng ta có luật nhưng chưa vận dụng được. Chúng ta cần phải nhìn nhận rằng nhạc sĩ, nghệ sĩ, ca sĩ và các hãng ghi âm băng đĩa cũng rất khổ công để ra được tác phẩm phục vụ công chúng. Việc đóng phí sẽ giúp hỗ trợ, động viên nhiều hơn cho các nghệ sĩ có thêm động lực, điều kiện để tái tạo năng lượng, tiếp tục sáng tạo phục vụ công chúng nhiều hơn. Tôi cho đây là việc làm đúng đắn và cần thiết để giúp đất nước chúng ta hội nhập và bắt kịp với thế giới.

- Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước