Rừng Tây Nguyên tiếp tục bị tàn phá

-Thứ tư, ngày 07/08/2013 16:00 GMT+7

 Từ đầu năm đến nay,  trên địa bàn Tây Nguyên xảy ra nhiều vụ vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, có nhiều vụ việc nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường và trật tự, an toàn xã hội.

Tại tỉnh Kon Tum, sáu tháng đầu năm nay phát hiện hơn 250 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (BVR). Cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 164 vụ với số tiền phạt 554 triệu đồng; tịch thu gần 600 m3 gỗ các loại; khởi tố ba vụ án.

Còn tại Gia Lai, bốn tháng đầu năm, tổng số vụ vi phạm về rừng trên địa bàn tỉnh là 226 vụ. Trong đó có bốn vụ phá rừng trái phép 21,510 ha; 14 vụ vi phạm về khai thác gỗ và lâm sản khác; hai vụ cháy rừng và 198 vụ mua bán, vận chuyển, cất giấu lâm sản...

Những vụ phá rừng nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây có thể kể ra như, tháng 10-2012, hàng loạt vụ khai thác gỗ với khối lượng lớn thuộc địa phận quản lý của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa, huyện Kông Chro; các cánh rừng phòng hộ Ayun Hạ, Ðức Cơ, Ðăk Pơ với hàng loạt cây gỗ bằng lăng, cà chít, căm xe... bị đốn hạ còn trơ gốc; hay vụ việc hàng nghìn cây thông hơn 30 năm tuổi thuộc tiểu khu 499 và 150 ha rừng cây sao xanh tại làng Ðê Rơn (xã Ðak Djrăng, huyện Mang Yang) bị phá để lấy đất trồng tiêu (tháng 5-2013). Và gần đây nhất là vào tháng 6-2013, việc phát hiện một đường dây gỗ lậu lớn tại khu vực lòng hồ thủy điện Sê San 3A thuộc bến làng Tung, xã Ia Khai, huyện Ia Grai.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, đầu năm 2006, tổng diện tích rừng của tỉnh là 761.847,10 ha, thì đến cuối năm 2011 chỉ còn 719.478 ha, giảm hơn 62.000 ha. Cùng với đó chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên cũng ngày càng bị suy thoái nghiêm trọng. Rừng có chất lượng cao, trữ lượng gỗ lớn còn ít và chủ yếu tập trung ở các khu rừng đặc dụng.

Tỉnh Ðăk Lăk là một trong số các địa phương có số vụ việc vi phạm về rừng nhiều nhất trong cả nước. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2008 đến 2011, trung bình mỗi năm, tỉnh này có hơn 3.000 ha rừng biến mất. Năm 2012, các ngành chức năng của tỉnh đã phát hiện 2.060 vụ vi phạm Luật BVR, trong đó khởi tố hình sự 27 vụ, tịch thu hơn 4.000 m3 gỗ các loại, 682 phương tiện. Huyện Ea Súp là địa bàn "nóng" nhất về phá rừng trong 15 huyện, thành phố thuộc tỉnh. Với gần 5.000 hộ dân di cư tự do chưa có hộ khẩu, thường xuyên xảy ra nạn khai thác trụ tiêu, lấn chiếm đất rừng, sang nhượng trái phép. Có những vạt rừng bị họ dùng cưa xăng, máy xúc mỗi đêm ủi lấn vài ha.

Bị phá nhiều nhất là rừng giao cho các nhóm hộ, cho xã, cho các công ty lâm nghiệp. Chỉ riêng trong năm 2012, huyện đã xử lý hơn 300 vụ phá rừng. Thủ đoạn của các đối tượng phá rừng rất tinh vi và liều lĩnh, hoạt động có tổ chức và đông người, phá rừng vào ban đêm, trời mưa, dùng cơ giới, cưa xăng, máy xúc rất nhanh, cho nên gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Còn tại tỉnh Ðăk Nông, trong sáu tháng đầu năm nay, hơn 645 ha đất rừng bị người dân lấn chiếm trái phép, trong đó địa phương có diện tích rừng bị lấn chiếm nhiều nhất là huyện Tuy Ðức với hơn 222 ha, huyện Ðăk Glong hơn 137 ha, huyện Ðăk Song hơn 133 ha.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước