Sự kiện nổi bật từ 25-31/10: Hoàn tất cáo trạng vụ thảm sát 6 người tại Bình Phước

PV-Thứ bảy, ngày 31/10/2015 11:32 GMT+7

3 bị can từ trái qua gồm: Thoại, Dương, Tiến. (Ảnh: Ngọc An).

VTV.vn - Chính Phủ họp phiên thường kỳ tháng 10/2015, hoàn tất cáo trạng vụ thảm sát 6 người tại Bình Phước... là một số sự kiện trong nước đáng ý tuần qua.

Chính Phủ họp phiên thường kỳ tháng 10/2015

Sáng 29/10, Chính phủ đã tiến hành phiên họp thường kỳ để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và từ đầu năm đến nay.

Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0,11% sau 2 tháng giảm liên tiếp, nên Bộ dự báo chỉ số giá tiêu dùng của năm nay vẫn tăng khoảng 2%. Trong lĩnh vực tiền tệ, tốc độ tăng dư nợ tín dụng tiếp tục tăng cao hơn tốc độ tăng tiền gửi. Về thu chi ngân sách Nhà nước, đến tháng này, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 777.000 tỷ đồng, đạt hơn 85% kế hoạch. Trong đó, thu nội địa đạt 90% dự toán và tăng khá cao.

Theo Bộ Tài chính, vấn đề hiện nay là giải quyết việc Trung ương hụt thu 31.000 tỷ đồng do giá dầu giảm như thế nào để đáp ứng được nhu cầu chi. Tuy nhiên, nhờ tiết kiệm chi và thu các khoản còn tồn đọng từ dầu khí, do đó ngân sách Trung ương chỉ còn thiếu khoảng 10.000 tỷ đồng và dự kiến được lấy từ số thu được do cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước.

Liên quan đến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ chỗ sụt giảm và không tăng như trước đây, trong 10 tháng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đạt khá cao cả về vốn thực hiện lẫn vốn đăng ký. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, sự phục hồi của nền kinh tế được thể hiện rõ nét qua tình hình phát triển ở cả 3 khu vực: Công nghiệp - xây dựng, nông - lâm nghiệp - thủy sản và khu vực dịch vụ. Nhất là khu vực công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là giá dầu thô và xuất khẩu nông sản giảm mạnh đã ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế và thu ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, mặc dù nhập siêu vẫn ở mức cho phép, nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng tới 15% so với cùng kỳ.

Bộ Tài chính thành lập lực lượng chống chuyển giá

Ngày 28/10, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã công bố thành lập Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng trực thuộc Vụ Thanh tra của Tổng cục Thuế. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm phát hiện và xử lý những hình thức chuyển giá đang diễn ra ngày một tinh vi, phức tạp, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Với việc thành lập, Phòng thanh tra giá chuyển nhượng sẽ tham mưu cho Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tổ chức thanh tra giá chuyển nhượng. Phòng có nhiệm vụ lập kế hoạch thanh tra giá chuyển nhượng, xây dựng quy trình thanh tra, thu thập xử lý thông tin từ các doanh nghiệp có quan hệ liên kết từ cơ quan thuế và bên thứ ba.

Lực lượng thanh tra giá chuyển nhượng sẽ được thành lập ở cơ quan Tổng cục Thuế và 4 địa phương có nhiều rủi ro liên quan đến giá chuyển nhượng là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.

Sẽ theo dõi sát sao việc xử lý tòa nhà 8B Lê Trực

Thông tin trên được Phó Tổng thanh tra Chính Phủ Trần Đức Lượng đưa ra tại cuộc họp báo quý III diễn ra ngày 29/10.

Thanh tra Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo đồng thời sẽ theo dõi sát sao việc xử lý sai phạm tại tòa nhà số 8B Lê Trực. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ tin tưởng: Với quyết tâm, trách nhiệm cao, các cơ quan chức năng của Hà Nội sẽ sớm xử lý dứt điểm vụ việc trong thời gian sớm nhất.

Cần xử lý nghiêm minh Chủ đầu tư nhà số 8B Lê Trực 'Cần xử lý nghiêm minh Chủ đầu tư nhà số 8B Lê Trực'

VTV.vn - Đó là kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, về những sai phạm của Chủ đầu tư nhà số 8B Lê Trực

Hà Nội đầu tư 3.700 tỷ đồng xây Nhà máy nước mặt Sông Hồng

Sau khi đường ống nước sông Đà liên tục bị vỡ, UBND thành phố đã chấp thuận cho Công ty Cổ phần Sông Hồng xây dựng nhà máy nước mới dùng nước mặt sông Hồng tại Đan Phượng.

Dự án này sẽ đáp ứng nhu cầu cấp nước cho 4 quận nội thành và 3 huyện dọc theo Quốc lộ 32 của Hà Nội. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện tại, mỗi ngày, thành phố thiếu trên 100.000m3 nước sạch. Nếu không xây dựng thêm một số nhà máy nước thì đến năm 2020, mỗi ngày, Hà Nội sẽ thiếu gần 700.000m3 nước sạch.

Dự án Nhà máy nước mặt Sông Hồng có tổng đầu tư gần 3.700 tỷ đồng, bằng nguồn vốn xã hội hóa vừa được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư. Với Dự án có công suất thiết kế 300.000m3/ngày đêm, Công ty Cổ phần nước mặt Sông Hồng chiếm gần 20% tổng nhu cầu nước sạch của Hà Nội, phục vụ cho 1,7 triệu dân.

Theo thiết kế, 28km đường ống nước sạch từ Nhà máy nước mặt sông Hồng sẽ được làm bằng gang dẻo, thay vì nhựa thủy tinh như đường ống nước Sông Đà. Nhà máy rộng trên 20ha này sẽ áp dụng công nghệ xử lý nước truyền thống với dây truyền sản xuất hiện đại và phù hợp để xử lý nước có dao động lớn về độ đục như nước sông Hồng.

Vụ 214 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng: Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh thừa nhận không tuân thủ quy định về tuyển dụng

Tại buổi làm việc của Bộ Nội vụ với lãnh đạo tỉnh và các ban ngành tỉnh Hà Tĩnh ngày 26/10, ông Bùi Quang Hoàn - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh thừa nhận: Huyện Kỳ Anh (cũ) đã không tuân thủ quy định về tuyển dụng, quản lý, sử dụng viên chức, nên khi chấm dứt hợp đồng với hàng loạt giáo viên và nhân viên hành chính làm việc trong các trường học đã nảy sinh những bất cập. Đồng thời, ông Bùi Quang Hoàn nêu rõ, khi chia tách huyện Kỳ Anh và thành lập thị xã Kỳ Anh đã dư ra 214 người đang công tác tại các trường học, nên đã chấm dứt hợp đồng từ ngày 30/9/2015. Trong đó, có hơn 120 người không được tham gia bảo hiểm xã hội và có nhiều trường hợp không có hợp đồng lao động.

Về phía tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chỉ ra nhiều sai sót trong vấn đề tuyển dụng của UBND huyện Kỳ Anh (cũ) và cho biết, huyện Kỳ Anh ký hợp đồng giáo viên dôi dư vượt quá nhu cầu thực tế.

Cụ thể, tính đến năm học 2014 -2015 cấp tiểu học huyện Kỳ Anh (cũ) đang thiếu 77 giáo viên nhưng huyện lại ký thêm 105 người. Cấp THCS thừa 24 giáo viên nhưng huyện này vẫn tự ý ký hợp đồng thêm hơn 100 giáo viên.

214 giáo viên tại Hà Tĩnh bị cắt hợp đồng: Bộ Nội vụ đã đề xuất phương án giải quyết 214 giáo viên tại Hà Tĩnh bị cắt hợp đồng: Bộ Nội vụ đã đề xuất phương án giải quyết

VTV.vn - Đối với 214 giáo viên bị cắt hợp đồng, buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ Nội vụ với UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Kỳ Anh, đã phần nào giải đáp được tâm tư, thắc mắc.

214 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng: UBND huyện phải nhận trách nhiệm 214 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng: UBND huyện phải nhận trách nhiệm

VTV.vn - Về vụ việc chấm dứt hợp đồng với 214 giáo viên ở huyện Kỳ Anh, trách nhiệm trước hết thuộc về UBND huyện khi tự ý ký hợp đồng với các giáo viên.

Cho thi công lại thuỷ điện Đạ Dâng - Đạ Chomo

Chính phủ đồng ý cho thi công lại thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo, trong khi quá trình kiểm tra công trình này, đặc biệt là hầm thủy điện, vẫn đang tiếp tục.

Khu vực được thi công tiếp nằm ngoài hầm thủy điện do đã được kiểm tra xong. Chủ đầu tư chỉ được thi công đường hầm sau khi hoàn tất quá trình bồi hoàn chi phí cứu hộ, làm đủ thủ tục nộp phạt; đồng thời, cơ quan chức năng kết luận về thiết kế, an toàn hầm thủy điện.

Trước đó, đường hầm công trình thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo ở huyện Lạc Dương bị sập một đoạn khoảng 35m vào ngày 16/12/2014, làm 12 công nhân bị kẹt bên trong suốt 82 giờ, sau đó được giải cứu an toàn.

Triều cường tại TP.HCM đạt đỉnh 1,61m

Chiều tối 28/10, triều cường tại TP.HCM đạt đỉnh 1,61m, trên mức báo động 3. Tuy không có mưa lớn nhưng triều cường vẫn khiến cho nhiều điểm trong nội thành bị ngập, gây cản trở giao thông và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Ở một số giao lộ khu vực Lương Định Của, quận 2; bến Phú Định, quận 8; các tuyến đường Kinh Dương Vương, An Dương Vương, quận 6; quận Bình Tân; huyện Nhà Bè…. các phương tiện di chuyển khó khăn.

Đối với người dân tại TP.HCM, ngập do triều cường đã trở thành thói quen, vì vậy mỗi hộ dân đều đã chuẩn bị sẵn bao cát, gạch, tấm ngăn nước… để ngăn nước vào nhà.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Nam Bộ, triều cường lên nhanh từ 18h-19h, sau đó rút nhưng duy trì ở mức cao. Vì trời không mưa, lưu lượng nước không quá lớn, nên hệ thống thoát nước, cống ngăn triều, van ngăn triều chống ngập tại TP.HCM phần nào phát huy hiệu quả.

Tuyên án 6 cựu cán bộ ngành đường sắt

Sáng 27/10, phần tranh tụng giữa đại diện Viện kiểm sát và Luật sư diễn ra căng thẳng. Tranh luận tại Tòa, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội giữ quyền công tố tại Tòa khẳng định, hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn thỏa thuận nhà thầu JTC chi tiền ngoài hợp đồng của Phạm Hải Bằng và Nguyễn Nam Thái gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín Việt Nam, ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản trong việc vay, sử dụng vốn ODA.

Dựa trên kết quả tranh tụng tại Tòa, lời khai của các bị cáo và các bằng chứng thu thập được trong quá trình điều tra, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tuyên án: Bị cáo Phạm Hải Bằng - nguyên Phó Giám đốc RPMU 12 năm tù giam; bị cáo Nguyễn Nam Thái - nguyên Trưởng phòng Thực hiện dự án 3, RPMU 11 năm tù; bị cáo Phạm Quang Duy - nguyên Phó Giám đốc RPMU 8 năm, 6 tháng tù; bị cáo Trần Văn Lục - nguyên Giám đốc RPMU 5 năm, 6 tháng tù; bị cáo Trần Quốc Đông - nguyên Giám đốc RPMU, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam 7 năm 6 tháng tù; bị cáo Nguyễn Văn Hiếu - nguyên Giám đốc RPMU 7 năm 6 tháng tù.

Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội cũng tuyên truy thu 11 tỷ đồng mà các bị cáo đã nhận từ liên doanh nhà thầu Nhật Bản để sung công quỹ Nhà nước, kê biên nhiều tài sản của các bị cáo để đảm bảo thi hành án.

Tuyên án tử hình hung thủ vụ thảm án sát hại 4 người ở Yên Bái

Ngày 28/10, tại Trung tâm văn hóa thông tin huyện Văn Yên, TAND tỉnh Yên Bái mở phiên tòa lưu động xét xử bị cáo Đặng Văn Hùng (SN 1988) vì có hành vi 'giết người'.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên án tử hình bị cáo Đặng Văn Hùng với tội danh ‘giết người’, buộc Hùng phải bồi thường cho các gia đình bị hại 170 triệu đồng, cấp dưỡng cho cháu Trần Thị Quyết (con vợ trước của nạn nhân Long) mỗi tháng 200.000 đồng cho đến khi cháu Quyết đủ 18 tuổi.

Đối với Nguyễn Thị Hán (bạn gái của bị cáo Hùng) xét thấy do bị Hùng ép buộc phải đi cùng và đã nhiều lần khuyên nhủ đối tượng ra đầu thú nên Tòa không truy cứu hành vi không tố giác tội phạm. Bản án được đông đảo người dân theo dõi phiên tòa đồng tình.

Ngày 12/8/2015, tại thôn 16, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái bị cáo Hùng đã sát hại 4 người trong một gia đình. Các nạn nhân trong vụ trọng án này là anh Trần Văn Long (sinh năm 1983); vợ của anh Long là chị Phàn Thị Hoa (sinh năm 1995); con đẻ anh Long, chị Hoa là cháu Phàn Văn Tuyền (sinh năm 2013) và nạn nhân Phàn Thị Hà (sinh năm 2000), là em của nạn nhân Phàn Thị Hoa.

Cáo trạng nêu rõ, do mâu thuẫn trong tranh chấp đất nương khai hoang, khoảng 16h ngày 12/8/2015, tại khu vực bãi nương thuộc thôn 16, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, Đặng Văn Hùng đã dùng dao quắm đâm vào lưng anh Trần Văn Long. Khi anh Long bỏ chạy, Hùng tiếp tục đuổi theo đến khu vực khe cạn và chém nhiều nhát vào cổ, vai anh Trần Văn Long. Anh Trần Văn Long chết do vết thương đứt bó mạch cảnh trái, vỡ xương hộp sọ, tổn thương tổ chức não, đa chấn thương vùng đầu, cổ, lưng.

Tiếp đó, Hùng dùng dao rựa chém nhiều nhát vào vùng cổ, sau gáy và vai của chị Phàn Thị Hoa. Chị Hoa chết do vết thương đứt bó mạch cảnh phải, đứt các đốt sống cổ 1,5,6, đứt tủy sống, đa chấn thương vùng đầu, cổ, lưng.

Sau đó Hùng cầm dao đi về lán của nhà anh Trần Văn Long và dùng dao chém nhiều nhát vào vùng cổ, vai, lưng chị Phàn Thị Hà khiến chị Hà chết do vết thương vùng mặt, cổ đứt bó mạch cảnh phải, đa chấn thương vùng cổ, mặt, lưng. Không dừng lại ở đó, Hùng dùng dao chém vào vùng cổ cháu Phàn Văn Tuyền khiến cháu Tuyền chết do vết thương vùng cổ làm đứt bó mạch cảnh trái, đứt khí quản.

Tại phiên tòa bị cáo Đặng Văn Hùng đã thừa nhận toàn bộ hành vi giết người.

Hoàn tất cáo trạng vụ thảm sát 6 người tại Bình Phước

Ngày 29/10, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết, đã hoàn tất cáo trạng, truy tố 3 bị cáo trong vụ thảm sát 6 người trong một gia đình ở Bình Phước.

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước, cả 3 bị cáo đều bị truy tố về hành vi giết nhiều người, giết trẻ em, có tính chất côn đồ và hành vi phạm tội dã man. Riêng bị cáo Nguyễn Hải Dương bị truy tố thêm tội giết người vì động cơ đê hèn.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước, các bị cáo: Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang); Vũ Văn Tiến (24 tuổi, quê Bình Phước) đều tạm trú xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP.HCM; Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long, tạm trú phường 13, quận Gò Vấp, TP.HCM) cùng bị truy tố về tội “giết người” và “cướp tài sản”. Các bị can Dương và Tiến bị truy tố theo khoản 1 điều 93 và điều 133 Bộ luật Hình sự. Theo khoản 1, điều 93 quy định về "tội giết người", các bị can sẽ đối mặt với mức án cao nhất là tử hình.

Riêng bị can Thoại, Viện Kiểm sát nhân dân Bình Phước nhận định, mặc dù không trực tiếp tham gia giết người, cướp tài sản nhưng Thoại là người biết trước kế hoạch của Dương, không can ngăn hay báo cho cơ quan chức năng, mà còn cung cấp hung khí cho Dương gây án. Sau khi vụ án xảy ra, Thoại cũng không khai báo với cơ quan chức năng. Thoại bị truy tố cùng 2 tội danh ở khung hình phạt thích đáng.

Dự kiến ngày 4/11, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước sẽ tổ chức họp báo để thông tin chi tiết toàn bộ vụ án cũng như quá trình điều tra, truy tố và chuẩn bị xét xử vụ án.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trênTV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước