Suy ngẫm về truyền thống ”Tôn sư trọng đạo”

Hoa Trang -Chủ nhật, ngày 20/11/2011 14:00 GMT+7

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc học ngày nay có vẻ dễ dàng hơn. Người học có thể tự học và tiếp thu kiến thức mới ở nhiều lĩnh vực một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, vai trò của người thầy trong giai đoạn hiện nay không vì thế mà kém đi tầm quan trọng.

Hiện nay, chỉ cần một cái nhấp chuột, người học có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều chương trình tự học trên mạng phù hợp với khả năng và sở thích của mình. Những kiến thức cổ kim, đông tây cũng dễ dàng được tìm thấy trên mạng. Tuy nhiên, với vô số những kiến thức từ nhiều phương tiện khác nhau, nhiều sinh viên vẫn cần sự hướng dẫn của người thầy.

Sinh viên Lê Hữu Minh Hiếu, trường Đại học KHXH&NV TPHCM tâm sự: “Có thể nhiều người cho rằng chỉ cần học trên mạng hay “học thầy không tày học bạn” nhưng em vẫn thấy, người thầy không thể thiếu được. “Không thầy đố mày làm nên” bởi vì có quá nhiều thông tin, em vẫn cần có thầy để hướng dẫn, lựa chọn những kiến thức phù hợp”.
Đồng quan điểm với Hiếu, Nguyễn Ngọc Thảo Như, trường Đại học KHXH&NV TPHCM cũng cho rằng, mặc dù “chỉ cần lên mạng là thông tin gì cũng có, ngay cả những chương trình tự học", tuy nhiên "với em, người thầy vẫn giữ vị trí quan trọng trong việc hướng dẫn, định hướng thông tin cho mình”.
Theo Giáo sư - Viện sỹ, TSKH Trần Ngọc Thêm, trước sự phát triển của hệ thống thông tin, nhiều loại hình tự học tập ra đời càng đòi hỏi vai trò và trách nhiệm của người thầy nặng nề hơn bởi bên cạnh những kiến thức khoa học, cũng có rất nhiều loại hình văn hoá khác nhau du nhập vào Việt Nam qua nhiều hình thức. Người thầy không chỉ dạy chữ mà cái quan trọng hơn là dạy làm người. Do vậy, ở bất kỳ thời đại nào, câu nói “Tôn sư trọng đạo” luôn đúng với mỗi người để trở thành một người tài đức.
“Mỗi chúng ta ở thời đại nào cũng phải biết tôn sư trọng đạo thì mới thành người tài đức được”, GS Trần Ngọc Thêm kết luận.
Từ xưa đến nay, dù ở đâu, thời đại nào cũng đề cao vai trò của người thầy. Ở nước ta, “Tôn sư trọng đạo” là một truyền thống tốt đẹp. Trong giai đoạn hiện nay, vai trò của người thầy còn khó khăn hơn để định hướng người học lựa chọn và sử dụng những kiến thức phù hợp, làm sao tiếp nhận những luồng văn hoá khác nhau nhưng vẫn phù hợp với truyền thống và đạo lý muôn đời của người Việt Nam.
Cố vấn Phạm Văn Đồng từng khẳng định: “Nghề dạy học là nghề cao quý vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo, vì nó sáng tạo ra những người sáng tạo”.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước