“Thăng Long mở hội tìm lại dấu xưa”

Ngọc Hà-Thứ hai, ngày 04/10/2010 14:53 GMT+7

Đây là chương trình nghệ thuật múa nằm trong loạt sự kiện văn hóa chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ chính thức diễn ra tối nay (4/10) dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ.

Để chuẩn bị cho chương trình đặc biệt này, các nghệ sỹ múa không chuyên đã cất công luyện tập trong nhiều tháng trời. Sẽ có 600 nghệ sĩ múa cùng tham gia trong chương trình “Thăng Long mở hội tìm lại dấu xưa” do Nghệ sỹ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh làm tổng đạo diễn. Điểm đáng chú ý là, những nghệ sỹ tham gia không phải những diên viên múa chuyên nghiệp, mà là những nghệ nhân, nông dân, thậm chí là nhà sư… cùng tham gia sự kiện văn hóa này.

Trong trang phục cà sa tăng, 2 nhà sư sẽ trình diễn điệu múa “Lục cúng” và điệu “Giải oan thích kết”. Cả 2 điệu múa này trước đây vốn chỉ biểu diễn ở trong chùa và chỉ có các nhà sư mới biểu diễn được.

Nghệ sỹ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh cho biết: “Đấy cũng là cái kho của nghệ thuật. Không những chỉ sưu tầm, lưu giữ, mà còn phải quảng bá, tạo điều kiện cho các điệu múa đó được phát huy. Nếu chúng ta không kịp thời bảo tồn thì chúng ta sẽ mất”.

"Giải oan thích kết" (hay Chạy đàn cắt kết) là một nghi lễ tâm linh quan trọng của Phật giáo và cũng là điệu múa cổ mang tính nhân văn, với việc lập đàn trai giải oan, cầu siêu tịnh độ. Thông thường một đàn cúng kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ, nhưng để phù hợp với đêm diễn “Thăng Long mở hội tìm lại dấu xưa”, điệu múa đã được rút xuống còn 15 phút.

Ông Nguyễn Văn Bích, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội chia sẻ: “Dân tộc nào mất bản sắc thì dân tộc đó không còn. Để vận động nhà chùa đưa điệu múa tâm linh ra biểu diễn, chúng tôi phải thuyết phục nhà chùa để làm sao người dân không phải lúc nào cũng vào đình, vào chùa mà vẫn được xem. Có rất nhiều dị bản khác nhau của múa giải oan thích kết, nhưng cái cốt nhất là chúng tôi vẫn giữ được, và chúng tôi cũng đề nghị nhà chùa giữ được hồn cốt của giải oan thích kết”.

Việc đưa các điệu múa cổ trở lại với sân khấu là thành quả của Hội nghệ sỹ múa Hà Nội khi triển khai chương trình "Phục hồi phát triển múa cổ Thăng Long-Hà Nội" nhằm sưu tầm những điệu múa cổ, phân loại thành múa dân gian, múa tín ngưỡng, múa tôn giáo, múa cung đình, múa lễ hội. Từ đó, các nhà nghiên cứu đối chiếu múa cổ Hà Nội với múa của người Việt trong vùng văn hoá sông Hồng để có hướng phục hồi, phát triển múa cổ sao cho phù hợp với thẩm mỹ của người đương thời trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng Hà Nội.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước