Thanh tra toàn quốc chất lượng đồ chơi trẻ em

Hà Bình - Việt Linh-Thứ bảy, ngày 14/09/2013 11:29 GMT+7

 Theo đánh giá của Cơ quan QLTT, Tết Trung thu đã tới gần nên tỷ lệ sản phẩm đồ chơi nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng không ngừng gia tăng.

Để quản lý chất lượng đồ chơi được hiệu quả hơn nữa, Bộ Khoa học và Công nghệ kết hợp cùng nhiều Bộ ngành liên quan đã tiến hành thanh tra chuyên đề diện rộng toàn quốc về chất lượng đồ chơi trẻ em trong hai tháng 8 và 9. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị định 80 về quản lý chất lượng đồ chơi trẻ em và ngày 15/9 Nghị định chính thức có hiệu lực.

Theo báo cáo nhanh của Thanh tra Bộ Khoa học - Công nghệ, chỉ tính riêng trong đợt thanh tra chuyên đề diện rộng về chất lượng đồ chơi trẻ khoảng 2 tháng gần đây, Bộ đã tiến hành kiểm tra gần 350 cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán đồ chơi. Trong số hàng chục nghìn mẫu kiểm tra, về cảm quan phần lớn vi phạm, tập trung vào mẫu không có dấu hợp quy đạt chuẩn và vi phạm quy định về nhãn hàng hóa. Qua thử nghiệm tại Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng I cho thấy, nhiều mẫu thú nhún có hàm lượng chất Phthalate cao gấp 5-9 lần so với tiêu chuẩn thế giới.

Ngoài ra, theo một số kết quả giám định của Viện Khoa học vật liệu ứng dụng và Viện Công nghệ hóa học, nhiều sản phẩm đồ chơi khác không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán trên thị trường như lồng đèn, đồ chơi vũ khí… được làm bằng nhựa tái chế và nhựa PE, trong đó có những mặt hàng có chứa chất Cadimir cao gấp nhiều lần cho phép và có thể gây ung thư. Đây đều là những sản phẩm đồ chơi chưa qua kiểm nghiệm và không có dấu chứng nhận hợp quy.

‘ Ảnh minh họa

Đối với những sản phẩm đạt chuẩn, việc dán dấu hợp quy CR lên sản phẩm là đương nhiên. Nhưng hiện tại, nhiều cơ sở kinh doanh đã tự in và dán dấu hợp quy lên cả những sản phẩm không đạt chuẩn.

Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa - Tổng cục Tiểu chuẩn Đo lường Chất lượng khuyến cáo: “Đối với người tiêu dùng chủ yếu vẫn là thông qua cảm quan, nhãn mác và dấu hiệu đã được chứng nhận hợp quy. Về cảm quan thì đồ chơi đó phải sạch sẽ, cầm không dây màu ra tay, có ghi rõ tên cơ sở sản xuất và tên hàng hóa, mã số hàng hóa để khẳng định đồ chơi an toàn. Lưu ý không nên mua những đồ chơi không rõ nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ và chất lượng qua cảm quan cũng đã thấy kém”.

Để giải quyết vấn đề vi phạm chất lượng đồ chơi được triệt để hơn nữa, Nghị định 80 của Chính phủ về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp” đã được ban hành vào giữa tháng 7 vừa qua. Ngoài những điểm mới như giao thêm quyền xử phạt cho cả Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, chứ không chỉ phân quyền riêng cho bộ phận Thanh tra như trước, Nghị định còn có cơ chế xử phạt linh hoạt hơn.

Đợt thanh tra toàn quốc về chất lượng đồ chơi trẻ em sẽ kéo dài đến hết tháng 9. Với Nghị định 80 của Chính phủ, các chuyên gia đánh giá, khi chính thức có hiệu lực vào ngày 15/9, sẽ hỗ trợ đắc lực cho công tác thanh, kiểm tra, xử phạt các cơ sở kinh doanh cố tình vi phạm những quy định về chất lượng đồ chơi trẻ em.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước