Thành tựu đổi mới

Ngọc Hà -Thứ năm, ngày 29/04/2010 10:00 GMT+7

Sau Đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất hoàn toàn đất nước, cả dân tộc Việt Nam đã bắt tay vào công cuộc xây dựng lại đất nước...

Đại hội VI - Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986 với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Đảng ta đã đề ra đường lối Đổi Mới toàn diện, trong đó, đổi mới kinh tế được đặt lên hàng đầu, với chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, theo định hướng XHCN, đi đôi với việc tăng cường cơ sở pháp lý, đổi mới tổ chức Đảng và Nhà nước.

Nền kinh tế thực sự mở cửa. Việt Nam cũng bắt đầu được thế giới biết đến - không phải như một chiến trường, mà là một thị trường đầy hấp dẫn.

Sau khi đất nước thống nhất, từ chỗ chỉ buôn bán với các nước trong khối XHCN, đến nay Việt Nam có quan hệ thương mại với 165 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và là địa điểm đầu tư hấp dẫn của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tư nhân cũng chính thức được thừa nhận và trở thành một lực lượng đóng góp tới gần nửa tổng sản phẩm nội địa của cả nước.

Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, hiện Việt nam đã đứng ở vị trí nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới.

Nguồn nội lực, sự sáng tạo trong mỗi người dân được giải phóng cùng với sự phát triển mạnh mẽ và hiệu quả của các thành phần kinh tế, đã làm cho tỷ lệ nghèo đói giảm trong cả nước giảm từ 60% hồi đầu những năm 90 xuống còn hơn 10% trong năm nay. Với mức thu nhập bình quân đầu người trên 1000 USD, hiện Việt Nam đã ra khỏi danh sách những nước nghèo chậm phát triển và trở thành một trong những nền kinh tế chuyển đổi thành công nhất trên thế giới.

Với đường lối đối ngoại, độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế với phương châm "Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước”, năm 1991, Việt Nam đã bình thường quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Năm 1995, đúng 20 năm sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ.

Cũng trong cùng năm, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên minh châu Âu và trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với trên 170 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới và là thành viên 63 tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị Á - Âu (ASEM).

35 năm sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất và sau gần 25 năm thực hiện công cuộc Đổi mới đã đưa Việt Nam đạt được vị thế quốc tế cao nhất trong lịch sử và là đối tác chiến lược với nhiều nước nhất từ trước cho đến nay. Từ một đất nước bị nước ngoài xâm lược, trong hai năm 2008-2009, Việt Nam đã cùng các cường quốc trên thế giới là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu.

Và trong năm nay, khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và cũng là Chủ tịch Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA) - một vị trí định hướng lập trường và hành động của ASEAN về nhiều vấn đề, đặc biệt là an ninh của khu vực và quốc tế, thì đây sẽ là thời điểm mà vai trò và vị thế của Việt Nam đối với khu vực và thế giới sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn nữa.

Một nước Việt Nam Đổi mới để lại nhiều ấn tượng với bạn bè quốc tế thì cũng làm cho mỗi người Việt Nam cảm thấy tự hào hơn khi mình là người Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước