Thu phí bảo trì đường bộ - Không đơn giản!

Thái Thanh-Chủ nhật, ngày 16/12/2012 09:52 GMT+7

Ảnh minh hoạ

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2013, theo hướng dẫn của Thông tư 171 của Bộ Tài chính hướng dẫn nghị định của CP về thu phí đối với Quỹ bảo trì đường bộ, UBND cấp xã, phường sẽ tổ chức thu phí đối với mô tô, xe máy trên địa bàn. Tuy nhiên trên thực tế, đây không phải là vấn đề đơn giản…

Câu chuyện được người dân quan tâm trong thời gian gần đây liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho Quỹ bảo trì đường bộ từ đầu năm tới, với mức khoảng 100 ngàn đồng cho mỗi đầu xe máy một năm.

Theo thông tư liên bộ Tài chính - Giao thông, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, phường sẽ tổ chức thu phí với xe máy trên địa bàn. Nhưng cho đến nay, lãnh đạo các phường ở Hà Nội vẫn chưa nhận được hướng dẫn của cấp trên về việc này.

Ông Phạm Văn Tín, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Phường chúng tôi chưa nhận được bất kỳ một văn bản nào hướng dẫn về việc thu phí đối với phương tiện giao thông, ô tô và xe gắn máy. Tất cả những thong tin chúng tôi được biết đều qua báo chí, báo mạng và các phương tiện thông tin đại chúng”.

Như vậy, với hướng dẫn này thì từ đầu năm mới, các tổ trưởng dân phố sẽ đảm đương thêm nhiệm vụ thu phí cho Quỹ bảo trì đường bộ và cả nước sẽ có gần 100 ngàn tổ trưởng dân phố tham gia một công việc bất đắc dĩ . Nhiều tổ trưởng dân phố cho rằng, họ không muốn nhận thêm nhiệm vụ này vì không hiệu quả, khó thực hiện.

Ông Bùi Hoàng Cường, Tổ trưởng dân phố Tổ 20, phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng: “Nếu có triển khai thì cũng không nên giao về phường và tổ dân phố, vì phường và tổ dân phố không có chức năng để làm nhiệm vụ này. Khi đến thu mà người dân có nhiều lý do để từ chối thì cũng khó yêu cầu họ thực hiện nghĩa vụ nộp phí nên sẽ không đạt được hiệu quả cao”.

Việc thu phí chưa bắt đầu nhưng đã xuất hiện nhiều bất cập. Chỉ đơn giản như những người dân sống tại các khu tập thể hay chung cư cao tầng không mang xe máy vào nhà mà để tản mát nhiều nơi thì tổ trưởng dân phố cũng khó có thông tin chính xác một hộ có bao nhiêu xe máy để yêu cầu nộp quỹ.

Cũng theo ý kiến của ông Bùi Hoàng Cường: “Thực ra trong một gia đình có thể có 4-5 cái xe máy nhưng mà tổ trưởng dân phố thì cũng không có chức năng nắm cụ thể người ta có bao nhiêu cái xe. Họ không để trên nhà nên khó có thể biết biết chính xác nhà họ có bao nhiêu cái cả. Mà mình cũng không có chức năng nắm bắt thông tin đó, mà có biết thì cũng không giải quyết vấn đề gì cả”.

Ở một khía cạnh khác, Đại diện Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc Hội cho rằng, việc giao cho chính quyền cấp xã phường, trong đó bao gồm cả tổ dân phố, thu Quỹ bảo trì đường bộ với xe máy sẽ làm tăng chi phí cho việc thu phí này.

Ông Đinh Trịnh Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc Hội nhận định: “Đúng là có khó khăn bởi không phải trưởng thôn, trưởng bản xóm nào cũng phải đi nắm hết từng nhà có bao nhiêu xe cả. Với cách thu như hiện nay thì đúng là sẽ làm phát sinh một bộ máy thu mới và chi phí hành thu cũng sẽ tăng thêm, kể cả từ Quỹ TW đến quỹ địa phương cũng sẽ tăng. Trước khi chúng ta thu qua xăng dầu thì nó gắn với cơ quan thuế là cơ quan chuyên ngành thu rồi, nó có năng lực, có chuyên ngành và người ta làm còn gắn với việc thu phí nữa nên rất là tiết kiệm”.

Thông tư liên bộ Tài chính, giao thông trao quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành tổ chức thu phí với xe máy. Nhưng theo Pháp lệnh phí và lệ phí thì UBND cấp tỉnh chỉ có thể làm được việc này khi có nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, nhưng tại Hà Nội, phiên họp thứ 6 của HĐND vừa kết thúc tuần trước lại không có nội dung thu phí cho Quỹ bảo trì đường bộ.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước