Thủ tướng: Chậm cổ phần hóa các DNNN do lợi ích cục bộ

Trung Kiên, Lê Tuấn, Chí Thành (Ban Thời sự)-Thứ ba, ngày 06/12/2016 21:02 GMT+7

Ảnh: VPG/Quang Hiệu

VTV.vn - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nguyên nhân của việc chậm cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước là do lợi ích cục bộ.

Chiều 6/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước trong vòng 5 năm tới. Cùng dự Hội nghị còn có Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Ngay mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu lãnh đạo các doanh nghiệp, các bộ và địa phương phải tìm ra nguyên nhân tại sao quá trình thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm vốn và tỷ lệ vốn Nhà nước được cổ phần hóa còn thấp. Vì hiện nay, Nhà nước vẫn còn nắm giữ 92% tổng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước. Câu hỏi thứ 2 cũng được Thủ tướng đặt ra đó là: "Doanh nghiệp nào mà Nhà nước cần nắm giữ vốn chi phối?".

Trả lời câu hỏi của Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn điện lực Dương Quang Thành cho biết Tập đoàn này đã thoái hết vốn ngoài ngành với 34 tỷ đồng tiền lãi. Tuy nhiên, trong quá trình cổ phần hóa 3 Tổng công ty phát điện thì gặp khó khăn do hạn mức về kinh phí thuê tư vấn nước ngoài trong định giá và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

Cũng trả lời câu hỏi của Thủ tướng, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam - ông Trần Quang Nghị - cho rằng, sở dĩ các ông chủ giả ở doanh nghiệp Nhà nước nhưng như chủ thật và không bị một sức ép nào cả nên họ không muốn cổ phần hóa.

Phát biểu kết luận Hội nghị vào chiều tối nay (6/12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nguyên nhân của việc chậm cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước là do lợi ích cục bộ. Trong khi đó, các đại diện chủ sở hữu là các bộ không thể biết chính xác được về tình hình của các doanh nghiệp này.

Thủ tướng cho biết, có tới 5 triệu tỷ đồng đang nằm trong các doanh nghiệp Nhà nước, trong khi đó, nhà nước đang cần huy động vốn từ xã hội và cần vốn để đầu tư vào xây dựng hạ tầng. Do vậy, việc cổ phần hóa không chỉ giúp các doanh nghiệp này thay đổi cách quản trị, làm ăn có lãi mà còn giúp Nhà nước giảm được nợ công.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu từ năm tới các bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn và Tổng Công ty Nhà nước phải đẩy mạnh cổ phần hóa mạnh mẽ hơn nữa. Lĩnh vực nào mà tư nhân làm được thì Nhà nước phải để tư nhân làm và không chèn lấn sự phát triển của khu vực tư nhân. Nhà nước chỉ làm những lĩnh vực mà thị trường bị thất bại hay tư nhân không làm được. Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước sau khi cổ phân hóa 1 năm phải phát hành cổ phiếu trên trị trường chứng khoán chứ không được dành để bán cho những người thân hữu hoặc sân trước, sân sau.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tới đây Thủ tướng sẽ ký danh mục các doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ nắm giữ vốn, đồng thời khẳng định Chính phủ sẽ không cổ phần hóa bằng mọi giá hoặc cổ phần hóa tất cả để tư nhân chi phối mà Nhà nước sẽ giữ 100% vốn hoặc giữ cổ phần chi phối các nhà máy điện lớn, ngân hàng và công ty lương thực và doanh nghiệp an ninh quốc phòng.

Sau khi kết thúc Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một Chỉ thị về đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước. Các bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước phải có chương trình hành động cụ thể chứ không thể bắn chỉ thiên, đi họp về bỏ đó để năm sau vẫn như vậy.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước