Thủ tướng gợi mở nhiều giải pháp phát triển Tây Nguyên

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 11/03/2017 20:59 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên

VTV.vn - Sáng nay (11/3), tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện tầm nhìn mới về phát triển Tây Nguyên.

Sáng nay, Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên đã được Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Phát biểu trước 1.000 đại biểu bao gồm lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành, các Đại sứ của nhiều nước cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra 10 hạn chế trong việc phát triển của 5 tỉnh Tây Nguyên, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện tầm nhìn mới về sự phát triển đối với vùng đất được ví như một cô gái đẹp vẫn đang ngủ quên này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh với thái độ nghiêm túc Đảng, Nhà nước cũng như 5 tỉnh Tây Nguyên là Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông và Lâm Đồng đã nhận thấy, sau hơn 40 năm giải phóng Tây Nguyên vẫn có nhiều vấn đề tồn tại, như tình trạng mất rừng, mất nguồn nước môi trường sống xuất hiện nhiều vấn đề làm mất đi cơ hội đầu tư phát triển.

Quan trọng nhất, tiềm năng của vùng này chưa được khai thác tốt để phục vụ phát triển. Bởi chỉ riêng Tây Nguyên có gần 2 triệu ha đất bazan màu mỡ, tương đương 60% đất bazan cả nước, phù hợp với cây công nghiệp như cà phê, cacao, hồ tiêu, trà, macca. Chỉ riêng cà phê đã chiếm 80% diện tích cà phê cả nước. Thế nhưng thế mạnh này chưa được phát huy hết.

Một ví dụ điển hình cũng được Thủ tướng chỉ ra đó là Việt Nam đang là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới nhưng kim ngạch chưa đạt 1,5 tỷ USD, chủ yếu sản xuất theo thói quen là hạt tiêu đen và chưa chế biến dược liệu từ cây hồ tiêu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, Tây Nguyên có tiềm năng về du lịch rất lớn. Bởi 5 tỉnh đều có khí hậu ôn đới ở một nước nhiệt đới, đi cùng với không gian văn hóa đặc sắc mang đậm sắc thái huyền thoại. Thế nhưng, tiềm năng này cũng chưa được khai thác hết.

Thủ tướng nhấn mạnh việc chỉ ra tình trạng hiện nay của một số lĩnh vực và mặt hàng lớn của Tây Nguyên là để lãnh đạo các tỉnh cũng như các nhà doanh nghiệp liên hệ với các mặt hàng khác, để từ đó nhận thấy và khai thác được hết những giá trị gia tăng và tiềm năng của vùng đất này.

Từ những bất cập này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại tầm nhìn, kỳ vọng mới đối với Tây Nguyên, đồng thời chỉ ra một số giải pháp. Trong đó, về du lịch Chính phủ quyết tâm đưa sử thi Tây Nguyên trở thành di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Vì càng nhiều người biết đến sử thi này thì sức lan tỏa của du lịch Tây Nguyên càng lớn. Về nông nghiệp, các tỉnh phải hình thành nên những vùng chuyên canh lớn và phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, đặc biệt phải đi vào chế biến sâu, mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm. Về nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục ở vùng này phải bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cả nước.

Thủ tướng cũng khẳng định lại quan điểm về việc bảo vệ rừng ở Tây Nguyên là bảo vệ không gian sinh tồn, nguồn nước, sinh kế của người dân, không gian di sản của cha ông. Bên cạnh đó, phải tiếp tục trồng rừng, không phá rừng nghèo để trồng cây công nghiệp mà tập trung tái canh, nâng cao năng suất bằng cách thâm canh. Thủ tướng cũng nêu lên thực trạng hàng chục đập thủy điện ở Tây Nguyên đang gây ra tình trạng suối cạn, sông khô. Để hồi sinh Tây Nguyên, để màu xanh đại ngàn Tây Nguyên, Thủ tướng sẽ chỉ đạo rà soát, kiểm tra tất cả các thủy điện ở Tây Nguyên, thủy điện nào không theo thiết kế, quy chuẩn ảnh hướng xấu đến môi trường, đến rừng và nguồn nước sẽ phải điều chỉnh, khắc phục. Nếu chưa trồng rừng bổ sung thì phải thực hiện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng gợi mở cho các tỉnh Tây Nguyên về hướng đi trong phát triển công nghiệp, liên kết với các vùng Đông Nam Bộ và ven biển miền Trung để tiêu thụ sản phẩm, cũng như phát triển hạ tầng. Thủ tướng cũng khẳng định quan điểm nếu như trước đây đặt vấn đề "ổn định để Tây Nguyên phát triển" thì nay cần đổi lại là "phát triển bền vững để ổn định an ninh lâu dài". Chính vì vậy, một trong những yếu tố bảo đảm an ninh là phải phát triển bằng được kinh tế, phải quan tâm sâu sắc hơn đến sinh kế của người dân.

Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Tô Lâm khẳng định, tới đây Ban Chỉ đạo và các tỉnh Tây Nguyên sẽ xây dựng các chương trình hành động cụ thể theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhằm phát triển Tây Nguyên ổn định và bền vững.

Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Công an Tô Lâm, đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đã trao giấy chứng nhận đầu tư và ký biên bản ghi nhớ nhiều dự án với tổng số vốn lên đến 4 tỷ USD, trong đó dự án điện mặt trời lên đến trên 2 tỷ USD. Các ngân hàng cũng ký cam kết tài trợ gần 30.000 tỷ đồng cho các dự án.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước