Thủ tướng làm việc với tỉnh Yên Bái

Trung Kiên-Thứ sáu, ngày 19/09/2014 20:03 GMT+7

Hôm nay (19/9), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới thăm và làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Yên Bái.

Tại đây, Thủ tướng đã yêu cầu Đảng bộ và chính quyền tỉnh này phải hết sức quan tâm tới việc phát triển kinh tế hộ, vì đây chính là cách lâu dài để xoá đói giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới thành công.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái đã nỗ lực trong 5 năm trở lại đây để đưa kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận. Dù là tỉnh có 54% dân số là đồng bào các dân tộc ít người, với 30 dân tộc anh em, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11%. Thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi so với 5 năm trước đây, đạt 26 triệu đồng/người bằng một nửa so với cả nước. Trong khi đó, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh khá nhanh, hiện nông nghiệp chỉ còn chiếm 30% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Thủ tướng khẳng định, đây là nỗ lực rất lớn của đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc của tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Yên Bái cần phải nỗ lực hơn nữa, bởi tỷ lệ hộ nghèo hiện nay của tỉnh là 21%, gấp đôi so với mức bình quân của cả nước, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào các dân tộc ít người là 53%, còn ở huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu là 70%. Đây cùng là điều trăn trở rất lớn của Đảng và Nhà nước.Để giải quyết được vấn đề này,

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, không có cách nào khác là Yên Bái phải năng động, sáng tạo và sát với thực tế để phát huy được hết những lợi thế và tiềm năng của mình nhằm phát triển nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Mà trước hết là tận dụng hết lợi thế mà được đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai mang lại.

Để khai thác được tiềm năng về nông lâm, nghiệp của tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Yên Bái cần hỗ trợ đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế hộ, thông những chính sách sát với thực tế về phát triển thị trường, hỗ trợ vốn, giống cây trồng và vật nuôi cùng với các quy trình chăn nuôi và cánh tác. Thủ tướng nhấn mạnh, với 154 nghìn ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng và 81% dân số ở khu vực nông – lâm nghiệp, Yên Bái cần phải đẩy mạnh việc giao đất rừng cho đồng bào các dân tộc. Đây chính là cách giữ rừng tốt nhất và là phương thức giúp đồng bào gắn với rừng và có thể bảo đảm được đời sống từ rừng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ, từ việc phát triển kinh tế hộ, Yên Bái có thể xây dựng được nông thôn mới. Vì xây dựng nông thôn mới chính là công nghiệp hoá nông nghiệp và nông thôn bằng thực lực của người dân, thông qua sự hỗ trợ bằng cách chính sách thiết thực của nhà nước. Chính từ phát triển kinh tế hộ và xây dựng thành công nông thôn mới, Yên Bái sẽ đẩy nhanh được tốc độ xoá đói giảm nghèo, nhất là ở vùng đồng bào các dân tộc ít người. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, tới đây Chính phủ sẽ xem xét và sớm ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế hộ trong cả nước.

Bên cạnh phát triển nông nghiệp, Thủ tướng lưu ý tỉnh Yên Bái nghiên cứu xây dựng các cụm công nghiệp ở các huyện, để mời gọi các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy dệt may và da giầy. Đây là việc làm có ý nghĩa quyết định đối với tiến trình công nghiệp hoá nông thôn. Thủ tướng nhấn mạnh, thông qua, các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Hàn Quốc, với EU, với Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Kazakhstan và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giầy của Việt Nam có thể tăng được gấp đôi và tạo thêm được khoảng 4 triệu việc làm mới. Chính phủ đã mở cửa thị trường ở cấp quốc gia như vậy, nên các địa phương như Yên Bái cần tận dụng được các cơ hội này nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương mình.

Cũng trong chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới thăm gia đình nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Liên Sơn Hà Thiết Hùng.

Trước đó, trong sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới thăm Công ty cổ phần giấy An Hoà, ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đây là nhà máy sản xuất bột giấy có công suất 130.000 tấn, gần gấp đôi nhà máy giấy Bãi Bằng và lớn nhất cả nước hiện nay. Đây cũng là nhà máy sản xuất giấy tráng phấn cao cấp đầu tiên trong cả nước.

Đánh giá cao công ty đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn trong thời kỳ kinh tế thế giới suy giảm để đưa nhà máy sản xuất bột giấy và sản xuất giấy với tổng vốn đầu tư gần 9.500 tỷ đồng vào sản xuất, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị công ty giấy An Hoà cần quản trị tốt quá trình sản xuất, giảm chi phí tối đa nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Thủ tướng cũng đề nghị công ty phải mở rộng vùng nguyên liệu trồng cây keo và đưa các giống cây mới có sinh khối lớn vào trồng, để công ty có thể tự đảm bảo được từ 30-40% nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, như mức an toàn của các nhà máy giấy trên thế giới. Việc thiếu nguồn nguyên liệu ổn định đang là khó khăn lớn nhất của công ty này do chưa cạnh tranh được với các công ty xuất khẩu dăm gỗ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Công ty giấy An Hoà, không chỉ là một cơ sở công nghiệp nặng lớn của cả nước mà còn tạo được nhiều công ăn việc làm cho đồng bào vùng trồng cây nguyên liệu, do vậy, Chính phủ sẽ tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ cho công ty này.

Cũng trong sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ tại thành phố Tuyên Quang.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước