Thực hiện bình đẳng giới: Cần tạo thêm cơ hội cho phụ nữ

Tấn Quýnh, Trung Hiếu-Thứ năm, ngày 07/03/2013 15:25 GMT+7

Cần tạo cơ hội nhiều hơn để phụ nữ được khẳng định và phát triển bản thân (Ảnh minh họa)

Phụ nữ có quyền được bình đẳng với nam giới - điều này đã được nêu rõ trong quy định pháp luật. Thế nhưng, trong thực tế, để xóa đi bất bình đẳng giới lại là công việc không dễ dàng.

Nhiều ý kiến cho rằng: Mấu chốt là phụ nữ chưa thực sự có được những cơ hội để tự khẳng định vai trò của mình. Vậy, cơ hội cho phụ nữ nên được tạo dựng từ đâu?

Tại vùng biển Khánh Hòa, những ngôi nhà tạm chật hẹp ven mép sóng là nơi ở của nhiều gia đình thuộc phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Cuộc sống của nhiều phụ nữ trong làng nhiều đời nay cũng bức bối như chính không gian sống của họ.

Hàng ngày, phụ nữ quanh quẩn chờ chồng đi biển về, mua bán cá và nuôi dạy con. Không làm ra tiền, phụ nữ cũng không quyết định được điều gì, ngay cả những việc trong nhà…

Tuy nhiên, đó là chuyện của hơn chục năm trước. Bây giờ, công việc thường xuyên của những cán bộ phụ nữ phường Vĩnh Nguyên là quản lý nguồn vốn từ các ngân hàng đã giải ngân cho chị em vay.

Bà Trần Thị Mực là một trong những phụ nữ được vay vốn theo nguồn này. Công việc làm mành ốc với thu nhập khá ổn định đã giúp bà trở thành một trong hai trụ cột kinh tế của gia đình.

Bà Mực tâm sự: “Nếu không có công việc này thì tôi phải đi làm thuê, bấp bênh lắm, bây giờ, có công việc ôn định rồi thì thấy đỡ hơn nhiều, có tiền đóng học phí cho con đi học”.

Tiếng nói của những phụ nữ ở các làng biển trong phường Vĩnh Nguyên đã được coi trọng từ chính trong gia đình của họ. Đây cũng là sự khởi đầu để phụ nữ mạnh dạn tham gia vào các công việc xã hội. Với đặc thù là địa phương ven biển, đặc biệt có 1/3 tổ dân phố trên các đảo, Hội Phụ nữ phường Vĩnh Nguyên xác định tạo đồng vốn để phụ nữ có công việc là con đường để giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới.

Bà Nguyễn Thị Nhung, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Chúng tôi đã hết sức cố gắng mình trong việc phối hợp ban ngành, đoàn thể để hướng nghiệp, tạo việc làm, giúp vốn cho chị em, giúp chị em khẳng định mình trong cuộc sống gia đình”.

Tại Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trong việc tạo ra sự bình đẳng giới. Việt Nam được xếp vào nhóm các nước có tỷ lệ phụ nữ tham chính khá cao trong khu vực. Ở nhiều địa phương, tỷ lệ cán bộ nữ trong bộ máy cấp ủy, HĐND đã chiếm khoảng 30%. Và thực tế đã khẳng định phụ nữ có thể đảm nhận nhiều công việc không thua kém nam giới, vấn đề là họ có cơ hội thực sự để khẳng định hay không.

Tư tưởng hiến định về bình đẳng nam nữ đã được quy định ngay từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 tại Việt Nam. Việt Nam cũng là một trong những nước sớm ký kết Công ước Cedaw của Liên hiệp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ. Nhưng, bình đẳng giới thực sự chỉ có được nếu phụ nữ có được cơ hội song song với quyền được bình đẳng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Tôi nghĩ bình đẳng về quyền vẫn là trên văn bản còn muốn thực hiện trong thực tế, phải bình đẳng về cơ hội. Ví dụ nam nữ không phân biệt gì về quyền học tập nhưng nếu như phụ nữ được cử đi học lúc chị em đang mang thai, có con nhỏ thì rất là khó, như vậy, quyền thì không phân biệt nhưng thực hiện thì cơ hội đối với chị em sẽ hạn chế hơn”.

Việc tạo cơ hội cho phụ nữ khẳng định bình đằng giới được Hội Phụ nữ cho rằng cần phải đẩy mạnh hơn nữa theo những cách tiếp cận phù hợp. Đó là cơ hội được học tập, nâng cao tri thức, kinh nghiệm trong công việc, tham gia các công việc xã hội…. Nhưng quan trọng hơn, phụ nữ phải có được cơ hội do chính nam giới trong gia đình tạo ra, để họ vừa sắp xếp gia đình vừa khằng định vị thế của mình trong xã hội.


Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước