Tích hợp môn Lịch sử: "Học sinh học được và giáo viên dạy được"

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 17/11/2015 07:04 GMT+7

VTV.vn - Trong chương trình Vấn đề hôm nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định giáo viên và học sinh đều có thể làm tốt khi tích hợp Lịch sử với các môn học khác.

Lịch sử sẽ không còn là môn học riêng ở giáo dục phổ thông mà được tích hợp vào những môn học khác như KHXH, Công dân và Tổ quốc. Đây có lẽ là chủ đề gây tranh cãi nhất sau 3 tháng Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được đưa ra lấy ý kiến. Bộ GD&ĐT và các nhà nghiên cứu đều chưa thể thống nhất ý kiến, bởi một bên cho rằng phải thay đổi cách dạy, cách học bằng việc tích hợp các môn khác mới khiến học sinh học Lịch sử tốt hơn, còn bên kia bảo vệ quan điểm Lịch sử phải là môn học độc lập, bắt buộc đối với tất cả học sinh. Vấn đề này đã được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 16/11.

Đại biểu Quốc hội Lê Văn Lai (Quảng Nam) đã dùng từ “xáo trộn tâm can” để nói về phản ứng của dư luận xã hội trước việc thay đổi phương pháp giảng dạy môn Lịch sử từ môn học độc lập thành môn tích hợp. Đại biểu chất vấn - “Bộ trưởng có dám chắn chắn về tính đúng đắn của vấn đề ?”

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, môn Lịch sử không bị xem nhẹ mà được coi trọng hơn so với hiện hành. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết hiện nay, học sinh THPT đang học 1,5 tiết Lịch sử/tuần. Trong khi đó, trong thiết kế dự thảo đang lấy ý kiến, học sinh không học chuyên ban Khoa học xã hội sẽ học 2,5 tiết/tuần, tăng 1 tiết và học sinh ban Khoa học xã hội sẽ học 4 tiết/tuần. Dự thảo đang lấy ý kiến không có ý định giảm môn lịch sử. Vấn đề cần thảo luận ở đây là cần giảng dạy môn Lịch sử độc lập hay tích hợp Lịch sử với các môn khác.

Chưa thỏa mãn với câu trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) đã đăng ký chất vấn lần 2: “Ai, thầy giáo nào có thể tiến hành cùng lúc dạy theo kiểu tích hợp? Công việc chuẩn bị của Bộ như thế nào đối với lực lượng quyết định chất lượng này? Theo tôi, tôi chưa nhìn thấy sự chuẩn bị một cách đầy đủ".

Có thể nói, câu hỏi do đại biểu Lê Văn Lai đưa ra cũng là vấn đề được nhiều người dân quan tâm. Nếu môn Lịch sử được tách riêng thì đội ngũ giáo viên sẽ cần chuẩn bị gì để đáp ứng công việc không hề đơn giản này? Câu trả lời cho vấn đề này đã được ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đưa ra trong chương trình Vấn đề hôm nay, phát sóng ngày 16/11.

“Khi thiết kế chương trình, Bộ GD&ĐT đã cân nhắc phải phù hợp với đội ngũ giáo viên hiện nay. Đội ngũ giáo viên hiện nay có thể thực hiện được nhiệm vụ này" - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lý giải - "Cụ thể là Bộ GD&ĐT đã giảng dạy thí điểm trong môi trường trường học mới những môn học tích hợp và việc dạy học sinh lớp 6 và lớp 7 đều thành công. Bộ còn tổ chức các cuộc thi giáo viên dạy học những môn tích hợp với quy mô cả nước. Những cuộc thi này đã thu hút được nhiều giáo viên và đạt kết quả tốt, trong đó có nhiều giáo viên đã thiết kế được chuyên đề tích hợp“.

"Các cuộc thi này được phát động trên cả nước và có hơn 300 giáo viên Lịch sử tham gia, 30 giải thưởng đã được trao. Đối với cấp THCS, chúng ta đã dạy trên khắp cả nước, mỗi tỉnh đều có trường dạy bộ môn tích hợp" - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết - “Những người chưa làm thì thấy khó nhưng nếu làm rồi, có thể là lúc đầu cũng có chút bỡ ngỡ, chưa quen nhưng chỉ một thời gian ngắn là quen, dạy tốt học tốt".

Trong khi nhiều nhà nghiên cứu, giáo viên dạy đang cố gắng bảo vệ quan điểm Lịch sử phải là môn học độc lập, bắt buộc đối với tất cả học sinh, thì một vấn đề quan trọng hơn lại vô tình bị bỏ qua, đó là làm thế nào để học sinh hứng thú với môn Lịch sử.

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói: “Các nhà sử học vẫn muốn giữ môn Lịch sử riêng như hiện nay. Điều đó rất khó đổi mới. Chúng tôi muốn khi kiến thức chia vào các môn thì những kiến thức có liên quan đến nhau sẽ được sắp xếp, có sự hỗ trợ, so sánh lẫn nhau. Lúc đó, việc giải quyết vấn đề liên quan tới nhiều kiến thức khác nhau sẽ trở nên dễ dàng hơn với giáo viên và học sinh".

"Khi để riêng môn Lịch sử, các nhà sử học sẽ viết môn Lịch sử rất chặt chẽ về mặt hình thức nhưng chính điều đó lại làm có nhiều kiến thức hàn lâm. Như vậy, dạy học Lịch sử trở nên nặng nề", Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói thêm.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, việc tích hợp môn Lịch sử không phải chỉ thực hiện ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới đã làm vậy. Bên cạnh đó, UNESCO cũng khuyến cáo các nước phải tăng cường dạy học theo hình thức này để học sinh vận dụng kiến thức tốt.

Để lắng nghe những quan điểm xung quanh vấn đề tích hợp môn Lịch sử, mời quý vị và các bạn theo dõi video dưới đây:

 

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước