Tiền Giang: “Sống dở chết dở” chỉ vì… giống dưa lạ

Duy Anh-Thứ tư, ngày 15/01/2014 14:37 GMT+7

Chị Trần Thị Thanh Nhã phản ánh giống dưa lạ với các ngành chức năng. (Ảnh: Báo ĐT Tiền Giang)

Hơn một tuần qua, câu chuyện về gia đình nông dân nghèo ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đang phải gánh khoản nợ lớn và mất khả năng chi trả vì giống dưa lạ đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Không có đất sản xuất, vợ chồng chị Trần Thị Thanh Nhã, xã Hậu Mỹ Phú, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã đi vay tiền ngân hàng và thuê 21 công đất lúa để lên liếp trồng dưa gang, với giá 2.400.000 đồng/công/vụ. Vốn cẩn thận, chị Nhã đã chọn hạt giống dưa gang OP TN 355 của Công ty TNHH thương mại Trang Nông - một trong những đơn vị chuyên cung cấp hạt giống sỉ và lẻ, lớn và có tiếng trong nước.

Sau khi mang trồng, thời gian đầu, ruộng dưa nhà chị phát triển bình thường. Thế nhưng, sau gần 2 tháng chăm sóc, toàn bộ dưa trái mà chị Nhã thu hoạch được với hình dạng rất lạ. Dưa có vỏ màu sọc đen, có trái đen bóng, trái thì xanh đậm sọc trắng, có trái giống trái bơ, trái lại như dưa chuột. Chị Nhã cho biết dù đã cố gắng tìm người để bán, tuy nhiên không có một tư thương nào dám mua dưa của chị. Chính vì vậy, ước tính thiệt hại ban đầu từ diện tích trồng dưa của nhà chị hiện đang là gần 150 triệu đồng.

Để tìm hiểu về giống dưa lạ trên, nhóm phóng viên VTV đã tìm đến ông Nguyễn Thanh Vân - chủ vựa chuyên chế biến dưa mắm và dưa muối từ dưa gang cung cấp cho các tỉnh, thành ở ĐBSCL. Ông cho biết, nhà ông làm nghề dưa mắm đã ba đời nhưng ông chưa từng thấy loại dưa này và khẳng định đây không phải là dưa gang. Cho nên, ông và nhiều chủ vựa ở đây từ chối mua dưa, dù chị Nhã đã chấp nhận bán lỗ.

“Dưa nhà chị Nhã lạ quá, thật tình tôi không biết là dưa gì. Nó tròn có, dài có không biết đó là bầu hay bí nữa. Nếu mua có làm mắm cũng không ai ăn đâu”, ông Vân nói.

Theo tờ trình gửi ngành chức năng huyện Cái Bè, Công ty TNHH thương mại Trang Nông lý giải do quá trình trồng, gia đình chị Trần Thị Thanh Nhã có trồng dặm giống dưa gang địa phương nên dẫn đến hiện tượng trên và không đồng ý bồi thường. Thế nhưng, theo ngành nông nghiệp huyện và tỉnh Tiền Giang điều này không có cơ sở khoa học.

Về phía nhiều nông dân ở ĐBSCL cho rằng, câu chuyện nhà chị Nhã không còn là câu chuyện của riêng ai, nếu công tác quản lý chất lượng hạt giống và trách nhiệm của doanh nghiệp trong kinh doanh giống nông nghiệp còn buông lỏng như hiện nay. Vàhiện vụ mùa của nông dân nơi đây lại chỉ biết trông chờ vào sự may rủi, trong khi đơn vị kinh doanh giống nông nghiệp cứ tiếp tục làm giàu bằng việc bán hạt giống.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước