Tiếng Việt bị “bỏ quên” trong những gia đình Việt - Hàn

-Thứ hai, ngày 15/10/2012 09:42 GMT+7

Một gia đình Việt - Hàn (hình minh họa)

Gần 100.000 em nhỏ mang 2 dòng máu Việt - Hàn được kỳ vọng sẽ là cầu nối cho mối quan hệ 2 nước lại thiếu một số nền tảng cơ bản nhất để làm được điều này.

20 năm sau khi Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, một cộng đồng người Việt đã hình thành đông đảo ở xứ Hàn. Chỉ tính riêng các cô dâu Việt Nam sang đây lấy chồng đã lên đến 50.000 người. Trong những gia đình Hàn - Việt này, thế hệ thứ 2 cũng đang hình thành mạnh mẽ, với con số ước tính lên tới gần 100.000 em. Thế hệ này được kỳ vọng sẽ là cầu nối cho quan hệ hữu nghị của hai nước, cũng như đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế sau này. Tuy nhiên, các em lại đang thiếu một số nền tảng cơ bản nhất để làm được điều này.
Tại gia đình chị Nguyễn Thị Bích Ty, tỉnh Chungcheongbuk, Hàn Quốc, những từ tiếng Việt đơn giản nhất, cậu con trai 6 tuổi của chị Ty cũng không nói được. Chị Ty cho biết, thị trấn chị sống có khoảng 20 gia đình Hàn Việt có con đến tuổi đi học. Nhưng tất cả các em đều không biết nói dù chỉ chút ít tiếng của mẹ đẻ: “Lúc nhỏ cháu cũng biết nói tiếng Việt nhưng lớn lên đi học ở trường, người ta toàn dạy tiếng Hàn nên giờ cháu không nói được nữa”.
Hàn Quốc vốn rất chú trọng về giáo dục. Những bảo tàng dành riêng cho trẻ em đều có ở các tỉnh. Nhiều gia đình Hàn Việt vẫn đưa con đến đây để tìm hiểu mọi thứ về lịch sử, văn hóa Hàn Quốc. Chỉ có điều, không có một góc nhỏ nào để họ giới thiệu với con về lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Thế hệ thứ 2 trong các gia đình Hàn - Việt đang ngày càng đông đảo. Đây là thế hệ sẽ góp phần xây dựng đất nước Hàn Quốc sau này cũng là thế hệ sẽ bắc tiếp nhịp cầu hữu nghị giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Tuy nhiên, các em liệu có thể đảm nhận trọn vẹn trọng trách của mình, khi mà trong hành trang, thiếu những kiến thức cơ bản nhất về văn hóa, đất nước của quê mẹ.
Tỉnh ChungcheongBuk, nơi đang có hơn 2000 trẻ em Hàn - Việt nhưng các trung tâm, các trường học mới chỉ tập trung giáo dục về Hàn Quốc mà quên đi một nửa quan trọng làm nên những đứa trẻ Hàn Việt, cũng là một lợi thế của chúng. Ông Si - Jong Lee, Chủ tịch tỉnh Chungcheongbuk, Hàn Quốc chia sẻ: “Chúng tôi đang tính đến việc khuyến khích các trường học mở lớp dạy tiếng Việt cho các cháu bé. Sau thời gian học ở trường mà bố mẹ vẫn còn đi làm, thì các cháu sẽ được dạy thêm văn hóa Việt Nam ở các trung tâm. Nhưng đây mới chỉ là dự định”.
Anh Lee Geon, doanh nhân Hàn Quốc đã sống ở Việt Nam hơn 10 năm - đang kêu gọi các tổ chức tài trợ cho thế hệ thứ hai về quê mẹ học tập trong những kỳ nghỉ ngắn ngày. Theo anh, những đứa trẻ và gia đình chúng sẽ đánh mất nhiều thứ nếu chỉ hiểu biết riêng về văn hóa Hàn Quốc: “Như thế thì không phải là gia đình Hàn - Việt, chỉ là gia đình Hàn thôi. Tôi mong muốn thế hệ thứ hai của gia đình Việt - Hàn tại Hàn Quốc phải nghiên cứu và học tiếng Việt, sau 10 - 20 năm sau sẽ đóng góp được cho sự phát triển của Việt Nam và Hàn Quốc.”
Vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam chính là lý do anh Lee định cư ở đây và giờ đang có một gia đình hạnh phúc. Những đứa con của anh vẫn được chú trọng dạy về ngôn ngữ, văn hóa Hàn Quốc. Nhưng ở Hàn Quốc, trong ngôi nhà của chị Ty, tiếng Việt vẫn chưa được nuôi dưỡng. Và những hiểu biết của con chị về văn hóa quê mẹ vẫn như tờ giấy trắng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước