Tinh thần "hai bên cùng thắng" và thời cơ hợp tác thuận lợi nhất cho DN Việt-Nhật

Trung Kiên, Lê Tuấn, Chí Thành (Ban Thời sự)-Thứ năm, ngày 26/05/2016 19:28 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi Đối thoại chính sách kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (Ảnh VOV)

VTV.vn-Phát biểu tại Đối thoại kinh tế cao cấp Việt Nam-Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần hai bên cùng thắng và cho rằng đây là thời cơ hợp tác thuận lợi.

Chiều nay (26/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thành phố Nagoya, bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị Cấp cao nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng, theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe. Ngay trong chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự cuộc Đối thoại chính sách kinh tế cao cấp Việt Nam - Nhật Bản với chủ đề “Việt Nam hội nhập và phát triển”.

Đây là chuyến thăm Nhật Bản lần đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cũng là lần đầu tiên Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Cấp cao của G7 bao gồm lãnh đạo Anh, Pháp, Đức, Italy, Canada, Mỹ và Nhật Bản - một diễn đàn đa phương có tiếng nói quan trọng đối với các vấn đề quốc tế.

Tham dự cuộc Đối thoại chính sách kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản trong đó có đông đảo doanh nghiệp hai nước tham dự là hoạt động đầu tiên của Thủ tướng trong chuyến thăm này. Dẫn lại câu nói của Thủ tướng Shinzo Abe nói về quan hệ Việt - Nhật: Hai nước chia sẻ thử thách giống nhau trong lúc hai nền kinh tế có thể hỗ trợ lẫn nhau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chính sách của Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào công nghiệp điện tử; chế biến nông sản, thủy sản, máy nông nghiệp; đóng tàu; công nghiệp và phụ tùng ô tô ở Việt Nam, đi cùng với các dự án phát triển hạ tầng theo hình thức đối tác công tư và tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Thủ tướng tái khẳng định, Việt Nam tiếp tục coi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Về phần mình Chính phủ sẽ quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp; đồng thời nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để có thể là một trong những nước dẫn đầu các nước ASEAN.

Thủ tướng cũng khẳng định ngoài quả xoài, vải và thanh long việc Việt Nam mong muốn tiếp tục đưa nhiều hơn các mặt hàng thủy sản, hàng tiêu dùng, điện tử, linh kiện đến với người tiêu dùng Nhật Bản. Trong khi đó, người Việt Nam ưa chuộng hàng hóa Nhật Bản, nên Việt Nam sẵn sàng đón nhận các mặt hàng có chất lượng, công nghệ cao từ Nhật Bản.

Thủ tướng cho rằng, với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà hai nước đều là thành viên, kim ngạch thương mại song phương có thể tăng gấp 3 lần, lên đến 60 tỷ USD sau 4 năm nữa. Đối với lĩnh vực du lịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai nước phấn đấu sớm tăng gấp đôi lượng người qua lại giữa hai nước hiện nay lên khoảng 1,5 triệu lượt người. Để đạt mục tiêu này, hai bên cần sớm mở thêm các đường bay thẳng và Việt Nam đề nghị Nhật Bản đơn giản hoá thủ tục visa cho du khách Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc lại câu nói của cựu Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama rằng tình bằng hữu Việt - Nhật được xây đắp từ những tương đồng “cùng chung nhịp đập trái tim" và cho biết ngày mai (27/5), ông sẽ tới thăm Đền Ise Jingu để có cơ hội tìm hiểu rõ hơn các giá trị Nhật Bản và "cùng chung nhịp đập trái tim" với người dân Nhật Bản.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước