“Tôi chưa thấy vai Tư lệnh ngành trong bảo hộ sản xuất cho nông dân!”

Theo Báo điện tử Đại biểu nhân dân-Thứ sáu, ngày 25/05/2018 17:46 GMT+7

VTV.vn - Đó là phát biểu của ĐBQH Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí Minh) tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội chiều nay (25/5).

Là Tư lệnh ngành đầu tiên tham gia giải trình trước QH tại Phiên thảo luận chiều nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, nông nghiệp giai đoạn vừa qua của nước ta đứng trước hai "cái nhất". Một là thách thức lớn nhất khi phải tiến tới nông nghiệp hiện đại từ nền nông nghiệp kinh tế hộ, nhỏ lẻ. Hai là thách thức biến đổi khí hậu lớn nhất của nhân loại. Trong điều kiện hội nhập sâu với quốc tế, Việt Nam đi sau nhưng trở thành nước tiên phong trong nông nghiệp.

“Tôi chưa thấy vai Tư lệnh ngành trong bảo hộ sản xuất cho nông dân!” - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình trước QH tại Phiên thảo luận. Ảnh: Quang Khánh

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, vừa qua nông nghiệp đón nhận sự ủng hộ, quan tâm chỉ đạo đồng bộ, thống nhất từ Đảng, QH, Chính phủ, các bộ, ngành và các thành phần khác trong hệ thống chính trị. QH Khóa XIV mới hoạt động 2 năm đã thông qua 2 luật về nông nghiệp, và sắp tới thông qua 3 luật, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho ngành, ra 3 nghị quyết chuyên đề cho nông nghiệp. Từ sau khi kiện toàn Chính phủ, thì Thủ tướng Chính phủ đã 17 lần ban hành chỉ đạo với ngành nông nghiệp. Ở các tỉnh, hầu hết Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP và cả hệ thống chính trị đều vào cuộc. 63 tỉnh, thành đều làm xúc tiến thương mại cho các sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp. Những nỗ lực này đã tạo sự lan tỏa. Thực tế, trong hai năm qua,  từ sức lan tỏa này của hệ thống chính trị, số doanh nghiệp đã tăng gấp đôi. Số hợp tác xã, trang trại nông hộ tăng đã giúp nông nghiệp đạt kết quả ban đầu quan trọng, có tính chất tiền đề.

Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp đạt 4,05% - mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu nông sản liên tục tăng cả về nhóm nông sản và thị trường xuất khẩu. Hàng hóa nông nghiệp Việt Nam đã đến 180 thị trường trên thế giới, trong đó có một số thị trường rất khó tính. Giá trị tuyệt đối xuất khẩu nông sản rất cao, đến nay có thể dự báo vượt chỉ tiêu xuất khẩu năm 2018. Xuất khẩu tăng cả về lượng và chất. Số thặng dự năm 2018 cũng dự đoán vượt 19 tỷ đồng. Giá trị thặng dư tăng sẽ tác động trở lại cho các đối tượng tham gia chuỗi sản xuất, góp phần cân đối ngoại tệ cho quá trình phát triển kinh tế thời gian tới.

Ba nhóm sản phẩm được xác định tái cơ cấu (gồm nhóm sản phẩm cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp ngành và làng, xã) đang thực hiện theo tổ chức lại thành chuỗi, đưa công nghệ cao. Quá trình tái cơ cấu ba nhóm sản phẩm này đang đi đúng hướng, và trên một số sản phẩm có mô hình có thể trở thành điển hình. "Tức là tái cơ cấu trên ba nhóm sản phẩm đang đi đúng hướng, từng bước mang lại kết quả", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Ở khu vực nông nghiệp, doanh nghiệp tham gia chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp trong nước, trừ lĩnh vực thức ăn chăn nuôi gia súc, chế tạo giống. Thời gian tới, doanh nghiệp trong nước cũng sẽ chiếm thị phần chủ yếu, thể hiện hướng đi đúng với chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, với đặc điểm gần 86 triệu hộ nông dân, gần 70 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ, thì việc đi lên nền nông nghiệp hiện đại cần khoảng thời gian nhất định. "Các tồn tại ĐBQH đưa ra hoàn toàn đúng, vì tính liên kết trong các nhóm sản phẩm còn yếu, kể trong các trục sản phẩm trung ương, tỉnh và ở địa phương", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Đó là chế biến chưa tương xứng với sức sản xuất của nông nghiệp, kể cả những mặt hàng có lợi thế như cá basa, tôm. Do chế biến yếu nên xảy ra dư thừa sản phẩm khi vào thời vụ, có biến động từ thị trường tiêu thụ.

Quản lý trong nước nhiều mặt còn bất cập, kể cả từ vật tư đầu vào, quá trình sản xuất, kiểm soát chất lượng. Khâu này còn yếu kể cả bộ chuyên ngành và quản lý từ trung ương, địa phương.

Về thị trường, hiện có tình trạng xuất khẩu nhiều, nhưng thị trường bấp bênh, chưa ổn định, chưa có thương hiệu. Mẫu mã, loại hàng hóa chưa tương xứng với tầm vóc của mở rộng thị trường hiện nay. Một đất nước chuyển đổi sang 30% là đô thị nhưng các thiết chế hạ tầng hiện đại để phục vụ cho thị trường trong nước chưa phát triển. Nói cách khác, thị trường vẫn là khâu yếu, kể cả trong nước và nước ngoài.

Để huy động nhiều lực lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thì đất đai vẫn còn là nút thắt. Nêu lại hạn chế này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, "cần cố gắng tháo gỡ để tích tụ đất đai, thu hút nhiều doanh nghiệp vào, trở thành nòng cốt phát triển của ngành". Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ NN - PTNT, phối hợp với các địa phương, các thành phần kinh tế để tháo gỡ, vừa bằng cơ chế, chính sách, vừa bằng cải cách thủ tục hành chính, phối hợp liên kết để đưa nhiều thành phần tham gia, kể hợp tác quốc tế.

“Tôi chưa thấy vai Tư lệnh ngành trong bảo hộ sản xuất cho nông dân!” - Ảnh 2.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Quang Khánh

Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) tranh luận: Mong rằng Bộ trưởng nhìn thẳng hơn, đó là những giá trị gia tăng đó cuối cùng ai là người thừa hưởng, có phải nông dân không?

Năm 2011, năng suất lao động của nông dân ở lĩnh vực nông nghiệp và năng suất lao động tương thích với 40% năng suất lao động bình quân. Năm 2017, năng suất lao động của lĩnh vực nông nghiệp chỉ tương thích 38%, tức là đang giảm dần. Chỉ ra thực tế này, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị Bộ trưởng "lưu ý đến chi phí trung gian đã ăn hết lao động của nông dân". Đây là điểm phải lưu ý để khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, cụ thể là cơ cấu lại cây trồng, rà soát lại quy hoạch, trong đó có quy hoạch đất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng chung nhận định, ĐBQH Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí Minh) thẳng thắn: "Tôi vẫn chưa hài lòng về những thông tin Bộ trưởng Bộ NN - PTNT đưa ra, tôi chưa thấy vai của Tư lệnh ngành trong bảo hộ sản xuất cho nông dân".

Đơn cử, theo ĐB Tô Thị Bích Châu, liên quan đến vụ việc "cà phê trộn pin", ngày 5.4.2018 sau khi vụ việc tràn lan trên báo chí trong nước và quốc tế, thì mãi sau đó, ngày 26.4, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông mới khẳng định là hỗn hợp thu giữ không dùng để sản xuất cà phê. Lúc đó nông dân đã rất hoang mang. Vậy Tư lệnh ngành đâu? Bộ Công thương đâu? Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng đâu? Chúng ta phải bảo vệ người nông dân, nhất là với cà phê - sản phẩm xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta.

"Trong phần trả lời với bức tranh sáng sủa của Bộ trưởng Bộ NN - PTNT, những sự việc xảy ra cụ thể lại không thấy Tư lệnh ngành ở đâu để khẳng định hàng của chúng ta là tốt", ĐB Tô Thị Bích Châu tâm tư.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước