TP.HCM: Hoàn thiện hạ tầng giao thông tạo điều kiện phát triển kinh tế

Kim Dung-Thứ ba, ngày 04/02/2014 17:20 GMT+7

Dịp Tết Giáp Ngọ 2014, áp lực giao thông tại TP.HCM giảm rõ rệt so với những năm trước do nhiều công trình giao thông trọng điểm được đưa vào sử dụng.

Cùng với những công trình cụ thể, TP. HCM cũng nỗ lực hoàn thiện quy hoạch giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới, đặc biệt là tăng tính kết nối. Với nhiều kế hoạch triển khai, chính quyền và người dân thành phố tin tưởng: Việc đi lại sẽ ngày càng dễ dàng thuận tiện hơn trong năm mới cũng như thời gian sắp tới.

Đã có 6 cây cầu vượt thép với tổng kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng được đưa vào sử dụng tại cửa ngõ và các nút giao thông của TP.HCM trong năm qua. Bên cạnh đó, cầu Sài Gòn 2, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thông xe đã giảm áp lực lưu thông rất lớn.

‘ Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài đã thông xe giai đoạn 1 (4,7 km) vào tháng 9/2013. (Ảnh: VnExpress).

Hiệu quả của những công trình này chính là những con số: ùn tắc giao thông giảm 63%, còn tai nạn giao thông giảm đến 23%. Cùng với phát triển giao thông đường bộ, quy hoạch mới điều chỉnh của TP.HCM là phát triển giao thông công cộng. Vì đây chính là giải pháp phát triển giao thông bền vững và hiệu quả nhất.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết: “Trước mắt, Thành phố khai thác tối đa hiệu quả các tuyến xe buýt nội ô. Cùng với đó, theo quy hoạch mới được điều chỉnh, Thành phố đang triển khai hệ thống tàu điện trên cao, tàu điện ngầm nối kết khu trung tâm thành phố với các đô thị vệ tinh... Các dự án này đã được đồng loạt triển khai dưới nhiều hình thức: có dự án đã khởi công, có dự án đã hoàn thiện tư vấn thiết kế và lựa chọn nhà thầu”.

TS. Trịnh Văn Chính, Trưởng bộ môn Quy hoạch Giao thông, ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM chia sẻ: “Giảm dần phương tiện vận tải cá nhân góp phần thiết thực trong việc chống ùn tắc. Khi người dân càng tham gia nhiều giao thông công cộng thì tỷ lệ chiếm dụng mặt đường giảm, giảm ùn tắc. Chi phí người dân đi đường giảm, dành thời gian hữu ích cho sản xuất, kinh doanh”.

Quy hoạch giao thông của TP.HCM không những giải quyết những khó khăn, tồn tại của bản thân thành phố mà còn có ý nghĩa tạo sự thông suốt với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với cả nước và khu vực, lấy TP.HCM làm trung tâm.

Cũng từ ý nghĩa quy hoạch giao thông này, thành phố sẽ giải quyết song song những vấn đề như: môi trường, kinh tế xã hội ... đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, phương tiện cá nhân bị hạn chế và người dân sẽ được hưởng những dịch vụ công cộng ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước