TP.HCM: Vì sao người dân thờ ơ nhà tái định cư?

Thái Bình-Thứ bảy, ngày 07/12/2013 11:40 GMT+7

 Tại TP.HCM đang tồn tại một nghịch lý, Quỹ nhà tái định cư rất lớn nhưng phần nhiều người dân không muốn nhận nhà tái định cư. Một thực tế đáng lo hơn nữa là tỷ lệ người nhận nhà rồi bán lại ngày càng cao. Vì sao có nghịch lý này?

16 hộ dân phường 27, quận Bình Thạnh, TP.HCM bám trụ tại khu vực sạt lở này 3 năm nay - phần vì số tiền đền bù không đủ để mua nhà nơi ở mới, phần vì nhà tái định cư được giới thiệu cách đây hàng chục cây số, từ chỗ ở quận trung tâm nay, người dân phải di dời đến vùng ngoại ô.

‘ Khu chung cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM vắng tanh vì người dân bị giải tỏa rất ngại tái định cư ở đây do quá xa. (Ảnh: NLĐ)

Ông Phạm Thanh Sơn, người dân phường 27, quận Bình Thạnh, TP.HCM nói: “Mặc dù khu đó là đô thị hóa nhưng 5 năm nữa mới hy vọng là tạm ổn định. Hiện nay, chuyển đến đó là hoàn toàn bất cập, thậm chí nhiều người nhận nhà tái định cư hôm trước, hôm sau bán đi”

Từ dự án kênh Thanh Đa, quận Bình Thạnh, phải vượt 30 cây số mới đến chung cư tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Những block nhà chung cư có thể bố trí cho hàng chục ngàn hộ dân, bóng dáng người dân đến rất ít. Theo người dân ở đây, nhiều người dân đến đây nhận nhà rồi bán đi nơi khác.

Người bám trụ lại nơi cũ thì bất chấp nhiều hiểm nguy vì sạt lở. Còn hàng trăm hộ thuộc dự án làm bờ kè Kênh Thanh Đa đã di dời lên khu tái định cư Vĩnh Lộc B, số thì đã bán đi nơi khác, số thì cho thuê. Những block chung cư hàng trăm căn hộ chỉ có lác đác vài hộ dọn đến ở như thế này khá phổ biến.

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh rộng 30 ha với 45 khối chung cư, kinh phí đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là nơi bố trí cho các dự án giải tỏa của 13/24 quận huyện của TP.HCM. Khu tái định cư này hiện chỉ có chưa tới 200 hộ đến ở. 3 năm đưa vào sử dụng, nơi đây vẫn là khung cảnh đìu hiu.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam nói: “Người ta sống ở khu vực cũ, không phải chỉ có mái nhà để đi ra, đi vào tránh mưa, tránh nắng mà gắn liền với đó là việc họ đi làm cái gì để sinh sống. Khi đến nơi mới, điều khó khăn nhất của người ta là kế sinh nhai, tạo việc làm mới như thế nào, thứ hai là việc học hành của con em, thứ ba là khó hòa nhập”.

TS Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị - Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết: “Thành phố có sẵn chương trình gọi là quỹ nhà tái định cư, quỹ nhà tái định cư mục đích là để sử dụng cho tất cả các đự án, nhưng tôi nghĩ rằng đó chỉ là cái dự phòng, điều quan trọng là chúng ta phải xây dựng được phương án tái định cư cho từng dự án theo kết quả điều tra xã hội học chi tiết. Nếu được như vậy, tỉ lệ an cư lạc nghiệp sẽ cao hơn”.

Chung cư tái định cư không dành cho người dân tái định cư. 80 đến 90% số căn hộ tái định cư tại nhiều dự án trên địa bàn TP.HCM đã được sang nhượng là thực tế đáng phải suy nghĩ cho các ngành chức năng. Theo các chuyên gia, cần phải có quá trình điều tra xã hội học trước khi thiết kế phương án tái định cư chứ không phải ồ ạt xây nhà tái định cư sau đó gom dân như cách làm phổ biến hiện nay.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước