Trẻ em với vấn đề biến đổi khí hậu

Đặng Mai-Thứ sáu, ngày 07/08/2009 08:11 GMT+7

Lần đầu tiên diễn đàn quốc gia dành cho trẻ em về vấn đề biến đổi khí hậu được tổ chức tại Hà Nội. Đây là diễn đàn nằm trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia vì tiếng nói trẻ em năm 2009. Qua đó cho thấy cần khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia của trẻ em, thanh thiếu niên trong việc chung tay xây dựng các giải pháp bảo vệ môi trường ngay tại cộng đồng.

Các em học sinh lớp 5A1 Trường Tiểu học quốc tế VIP - Hà Nội được học, xem những hình ảnh: băng tan, trái đất nóng lên… ở tuổi như các em, biến đổi khí hậu là một khái niệm rất to tát nhưng nếu chỉ cho các em thấy rằng: nếu con người không có ý thức bảo vệ môi trường thì sẽ ảnh hưởng xấu đến cuộc sống. thì em học sinh nào cũng sẽ hiểu được.

Em Trịnh Hoàng Dũng, HS lớp 5A1 Trường Tiểu học Quốc tế VIP – Hà Nội, nói: "Sau khi học bài Sự nóng lên của toàn cầu con nhận thấy sự nóng lên của tòan cầu rất nghiêm trọng đối với con người , băng sẽ tan ra, nước biển dâng cao nó sẽ ngập vào đất liền...".

- Sau giờ học như thế này, con có những hành động như thế nào để bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất của chúng ta?

- Sau những giờ học con sẽ tích cực trồng cây xanh, không vứt rác bừa bãi, ít sử dụng túi ni lông và khi bố mẹ đi xe đến đèn xanh đèn đỏ bảo bố mẹ tắt máy để để đỡ gây ô nhiễm môi trường ạ.

Việc chú trọng vào trẻ em để nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, cũng như sự sinh tồn của con người đóng vai trò quan trọng. Tại hội thảo trẻ em về biến đổi khí hậu do tổ chức Unicef và Bộ LĐTBXH tổ chức, 126 em thiếu nhi đại diện cho 21 tỉnh thành trong cả nước tham dự, cùng nhau chia sẻ quan điểm, ý tưởng, những lo ngại của mình , cũng như đưa ra những giải pháp về những vấn đề thay đổi khí hậu toàn cầu ảnh hưởng đến cuộc sống của chính các em.

Các em bé đại diện cho 21 tỉnh thành phố này sẽ cùng nhau ngồi lại để xây dựng nên một tuyên bố về vấn đề thay đổi khí hậu và thông điệp này sẽ được đem tới tham dự tại hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu tại Copenhagen - Đan Mạch vào tháng 12 tới. Mỗi trẻ em sẽ là một sứ giả tích cực tuyên truyền cho cộng đồng địa phương mình về những nguyên nhân, tác động của biến đổi khí hậu để thay đổi hành vi và nhận thức của họ.

Em Đặng Hoàng Bảo Đan, Lớp 8A1, Trường THCS Nguyễn Trãi, Long Xuyên, An Giang: "Khi tham gia, em cùng các bạn hiểu thêm về sự biến đổi khí hậu trên thế giới. Em rất vui mừng khi mọi người đã quan tâm đến vấn đề vô cùng quan trọng, vô cùng bức thiết hiện nay, và mọi người cũng đã tôn trọng thiếu nhi chúng em, để chúng em mang thông điệp đến toàn thế giới về môi trường, về một bầu trái đất trong lành và vô cùng tốt đẹp".

Thông điệp em muốn nói: Mẹ trái đất rất là vĩ đại. Mẹ đã cho chúng ta tất cả, nhưng chúng ta đã làm được gì cho mẹ. Chúng ta hãy bảo vệ mẹ và chúng ta cùng tồn tại với mẹ.

Ông Nguyễn Trọng An, Giám đốc Dự án CIP – Unicef phát biểu: "Mục tiêu của Hội thảo là cung cấp cho trẻ em những kiến thức rất cơ bản về biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới Việt Nam. Mục tiêu thứ 2 là muốn các em bé nói lên tiếng nói của mình, những nhận thức của các em bé đại diện cho các địa phưong. Mục tiêu thứ 3 đó là sự tham vấn của trẻ em, ngưòi lớn sẽ lắng nghe những ý kiến mà các em bé nói để xây dựng các chương trình hành động và các kế hoạch cũng như là đưa ra các mục tiêu của các chương trình đó làm thế nào cho phù hợp hơn với trẻ em về vấn đề chăm sóc bảo vệ trẻ em nói chung trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và các tổ chức quốc tế, trong vòng 20 năm tới hàng triệu người sẽ trở thành nạn nhân của những thảm hoạ do biến đổi khí hậu gây ra, trong đó trẻ em là đối tượng chịu tác động nhiều nhất, đặc biệt là những trẻ em nghèo, trẻ em dưới 5 tuổi. Việt Nam là 1 trong số những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Nhưng các văn kiện lớn về biến đổi khí hậu và các giải pháp thích nghi lại chưa thực sự quan tâm, bàn đến đối tượng dễ bị tổn thương này. Bản thân trẻ em đóng vai trò đặc biệt quan trọng và cần được trao quyền để cùng hành động trong vấn đề toàn cầu này.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước