Trò chuyện cùng tác giả "Đảo chìm" ở Trường Sa

Diệp Anh-Thứ ba, ngày 15/05/2012 14:25 GMT+7

Trong chuyến công tác Trường Sa mới đây, phóng viên VTV đã ghi lại cảm xúc của Trần Đăng Khoa khi anh trở lại đảo Thuyền chài - nơi đã cho nhiều chất liệu nhất để anh viết tác phẩm "Đảo chìm".

Đảo chìm Đá Đông vững vàng trước sóng gió. (Ảnh: Người lao động)

"Đảo chìm" là một trong những tác phẩm viết về Trường Sa của nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa gây nhiều ấn tượng với bạn đọc. "Đảo chìm" là những câu chuyện dung dị khắc họa vẻ đẹp trong sáng nhưng cũng rất kiên cường của người lính Trường Sa.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - tác giả của "Đảo chìm" đã có gần 1 năm công tác trên các đảo Trường Sa vào những năm 1970.
Nhà thơ, Nhà báo Trần Đăng Khoa tâm sự: “Tôi coi mình đang làm công việc của một viện bảo tàng nho nhỏ lưu giữ lại những vẻ đẹp của một thời đã qua, để cho thế hệ sau biết rằng, ở đây đã từng có một chính trị viên tên Thuận, đã từng… Tôi không biết nói thế nào nữa... rất là xúc động”.
Sau 18 năm mới trở lại, đảo Thuyền chài đã nhiều đổi khác, càng khác cái thời mà anh em chen chân núp dưới lều mái bạt, cái giường cũng chìm nghỉm từng tầng trong nước. Trần Đăng Khoa nhớ nhiều hơn những người đã cùng anh những năm tháng ấy.
“Không gì có thể tồn tại được với nước mặn và một thứ còn kinh hơn nước mặn, đó là thời gian. Dấu ấn của thời gian rồi cũng sẽ trôi đi, có một nhà hiền triết đã nói một câu rất hay rằng, những người lính dũng cảm họ thực sự chỉ chết khi nào những người còn sống không còn nhớ họ. Khi chúng ta vẫn còn nhớ họ, nghĩa là họ vẫn còn sống, vẫn còn tồn tại trong cõi đời này”, nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa nói.
Đảo chìm là tập truyện-ký của tác giả Trần Đăng Khoa viết năm 2000, được nhà văn Lê Lựu đánh giá là "Thần bút". Ảnh: Dân trí
Đảo chìm giờ căng tràn sức sống. Những nhân vật xuất hiện trong tác phẩm của Đăng Khoa hơn 30 năm trước, giờ như vẫn thân quen...
Đảo chìm đã là nhà của bao lớp lính đảo, chiến sĩ mà Trần Đăng Khoa trò chuyện hôm nay chưa qua tuổi 21, nhưng đã gần 2 năm quen với vị mặn của biển cả, thấm cái khắc nghiệt của sóng gió. Chiếc huy hiệu mà anh được tặng giờ trên ngực áo người lính trẻ - thế hệ này tiếp nối thế hệ khác luôn vững vàng nơi đầu sóng.
“Có những cột mốc chủ quyền đó là xương máu của anh em ta, của Trần Văn Hai, của 18 chiến sĩ đã lấy lá cờ Tổ quốc cuốn quanh thân mình, lấy ngực mình để đỡ luồng đạn bảo vệ chủ quyền của chúng ta. Hình bóng của họ, vóc dáng của họ, phẩm chất của họ vẫn còn lại và vẫn mong các bạn lưu giữ vẻ đẹp đó trong chính tâm hồn mình… để Trường Sa - hòn đảo Thuyền Chài này mãi mãi là một tiền tiêu, một pháo đài trụ vững giữa biển Đông”, nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa chia sẻ.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước