Tròn 70 năm ngày mất của "Ông Năm Yersin"

Tấn Quýnh-Thứ sáu, ngày 01/03/2013 16:41 GMT+7

Ảnh: VTV

 Cùng với nhiều nước trên thế giới, hôm nay (1/3), người dân Việt Nam tưởng nhớ ông - nhà bác học đã dành gần như trọn đời cho Việt Nam và mọi người vẫn gọi ông bằng tên gọi thân thương: Ông Năm Yersin.

Trong ngôi chùa Linh Sơn, ở xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, bên bàn thờ Phật là bàn thờ nhà bác học Yersin. Người dân trong vùng quanh năm về đây hương khói. Họ chưa một lần được gặp ông, nhưng câu chuyện kể về ông thì vẫn còn mãi. Và tên gọi ông Năm Yersin chẳng biết xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng ai cũng gọi như thế - cách gọi thân thương về nhà bác học thiên tài.

Tiến sĩ Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: “Người ta không phân biệt ông là người ngoại quốc, mà ngược lại thấy ông thấu hiểu cái khổ, nguyện vọng của người dân nên không gọi ông là nhà bác học, mà gọi là ông Năm”.

Đến với Bảo tàng Yersin nằm ở Viện Pasteur Nha Trang, nhiều du khách lặng người khi đọc những bức thư của ông khi xem những di vật mà ông để lại. Những công trình khoa học đồ sộ, một nhân cách lớn và tình yêu con người… là những gì mà Yersin để lại. Còn bản thân mình, tài sản là chiếc ghế, chiếc giường đơn sơ mà trên đó ông đã ra đi thanh thản 70 năm trước.

Năm 1887, tốt nghiệp Tiến sĩ Y khoa tại Paris, Yersin được giới y khoa toàn cầu đánh giá cao bởi các nghiên cứu về bệnh bạch hầu và bệnh lao thực nghiệm. Danh vọng chào đón, nhưng năm 1891, ông đã đến Nha Trang và rồi gắn bó với nơi đây suốt 52 năm còn lại của cuộc đời.

Nói đến Yersin là nói đến nhà bác học thiên tài phát hiện ra vi trùng dịch hạch, điều chế vaccine phòng, điều trị các bệnh dịch hạch, bạch cầu, tả, người sáng lập Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur Hà Nội, trường Đại học Y khoa Hà Nội, phát hiện cao nguyên Lang Biang… Nói đến Yersin là nói đến một bác sĩ hết mình vì những người dân nghèo ở những xóm Cồn, xóm Bóng, Nha Trang khi ấy. Ông đã xem Việt Nam như quê hương của mình, ước vọng cuối đời của ông là được an nghỉ ngay tại Suối Dầu, Khánh Hòa.

Bác sĩ Nguyễn Trung Lương, Việt kiều Pháp đã ở tuổi 85 đã về thăm ngôi mộ Yersin. Ông Lương lớn lên với tình thương của bác sĩ Yersin và trưởng thành, đi theo con đường y học cũng từ lời khuyên dạy của Yersin. Ông nói: “Tôi coi ông như là ông nội, mỗi lần thăm mộ như lại thăm ông nội vậy”.

Từ cách đây 20 năm, Hội những người ái mộ Yersin đã được thành lập. Mỗi người một công việc, một cuộc sống, nhưng điểm chung là cùng đi tiếp chặng đường mà Yersin đã đi, giúp những bệnh nhân nghèo.

GS.TSKH Nguyễn Thị Thế Trâm, Chủ tịch Hội những người ái mộ Yersin cho biết: “Đối với tôi là một nhà khoa học, tôi học rất nhiều về Yersin, Yersin là người rất chú tâm đến công việc khoa học vì dân, vì người nghèo”.

Công viên, tượng đài Yersin là nơi để người dân Khánh Hòa và du khách tìm đến, để như được sống cùng ông, một người đã về cõi vĩnh hằng 70 năm trước… Thời gian càng trôi đi, người dân trên những vùng đất mà ông đã gắn bó càng thấm thía hơn tài đức của nhà khoa học lừng danh.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước