TRỰC TIẾP: Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn

Theo ĐT Chính phủ-Thứ ba, ngày 18/11/2014 09:29 GMT+7

Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình.

Sáng 18/11, sau phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Huy Hoàng, từ 9h, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình sẽ làm rõ các vấn đề liên quan đến công tác thực hiện cải cách hành chính, giảm thủ tục hành chính gắn với nâng cao chất lượng công vụ; các giải pháp thực hiện Đề án tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ, công chức; vấn đề nâng cao năng suất lao động, cải cách chế độ tiền lương…

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cũng sẽ đề cập kết quả đánh giá toàn diện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xử lý các biểu hiện tiêu cực trong công tác quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức…

Trong lĩnh vực Nội vụ, Báo cáo việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày  tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, ngày 17/11/2014 đã nêu rõ 4 nội dung: Về rà soát, đánh giá và chấn chỉnh tổ chức bộ máy, biên chế; về quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức; cải cách chế độ công vụ, công chức và xử lý tiêu cực; về tiền lương, phụ cấp công vụ và chính sách đối với cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số; về cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Theo đó, về rà soát, đánh giá và chấn chỉnh tổ chức bộ máy, biên chế, đã tổng kết thực hiện và soạn thảo, trình Quốc hội các dự án Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Xây dựng Đề án mô hình chính quyền địa phương, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Cơ bản hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tổng cục và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Thực hiện các Kết luận Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị, cải cách tiền lương. Đã phê duyệt tổng biên chế trong các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài năm 2014 trên nguyên tắc giữ ổn định biên chế công chức đến năm 2016. Xây dựng, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đề án tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Về quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức; cải cách chế độ công vụ, công chức và xử lý tiêu cực, đã ban hành 18 Nghị định, 13 Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Việc cải cách chế độ công vụ, công chức được tích cực triển khai; đã thành lập Ban Chỉ đạo ở các Bộ, ngành, địa phương; phấn đấu đến năm 2015 phê duyệt đề án vị trí việc làm của 70% các cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tiếp tục thực hiện việc thi tuyển, thi nâng ngạch công chức theo nguyên tắc cạnh tranh. Thí điểm thi tuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý.

Tinh giản biên chế, bảo đảm tuyển dụng mới không quá 50% số công chức ra khỏi biên chế; 50% số biên chế còn lại bổ sung cho lĩnh vực cần tăng. Sớm ban hành Nghị định về chính sách tinh giản biên chế.

Triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong quản lý công chức, viên chức và thi đua khen thưởng. Tiếp tục hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý; đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, công chức và người quản lý trong doanh nghiệp nhà nước; đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Về tiền lương, phụ cấp công vụ và chính sách đối với cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, từ năm 2011 đến nay đã 3 lần điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và 2 lần tăng phụ cấp công vụ với mức điều chỉnh cao hơn tốc độ tăng giá. Tại kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua việc điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) từ ngày 1/1/2015.

Đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Chỉ đạo xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đến năm 2020. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc bố trí nguồn để thực hiện nên Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện và trình Đề án vào thời điểm thích hợp.

Xây dựng Đề án phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020. Quan tâm thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Ưu tiên tuyển dụng và phân công công tác phù hợp đối với người dân tộc thiểu số.

Về cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đã ban hành các quy định, cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đất đai, xây dựng, thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp, thủ tục đầu tư, tiếp cận điện năng...

Đã đơn giản hóa gần 4.100/4.700 thủ tục hành chính; cập nhập trên 112 nghìn hồ sơ thủ tục hành chính và gần 11 nghìn hồ sơ văn bản liên quan vào Cơ sở dữ liệu quốc gia. Triển khai thực hiện Đề án liên thông các thủ tục hành chính đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Thực hiện Nghị định số 37/2014/NĐ-CP, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện đã trực tiếp quản lý và chỉ đạo hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Mời quý độc giả theo dõi phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình tại đây.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước