Trung thu xưa - nay

Tấn Quýnh-Thứ tư, ngày 22/09/2010 08:30 GMT+7

Nhiều người tiếc nuối khi Tết trung thu ngày nay đã có phần khác xa Tết trung thu của ngày trước. Những trò chơi trẻ em mùa trăng tháng tám một khi mất chất truyền thống, cũng có nghĩa mất đi sợi dây kết nối với vốn văn hoá lâu đời...

Nobbert Balint, một thanh niên từ Australia nói với chúng tôi rằng: Anh đã rất may mắn khi trong tháng đầu tiên có mặt ở Việt Nam lại đúng vào Tết trung thu.

Sau những giờ dạy cho trẻ em đường phố trong chương trình của tổ chức tình nguyện viên toàn cầu (GVN) tại Phú Yên, Nobbert dành nhiều thời gian để trải nghiệm trên những con phố, nơi mà hàng đêm tấp nập người mua đồ chơi cho trẻ và rộn rã bởi những màn múa lân chật ních người xem.

Tại một điểm chuyên bán đồ chơi trẻ em, những đứa trẻ dán mắt vào những lồng đèn nhựa Trung Quốc vì tiếng nhạc và vì sự sặc sỡ. Nhiều phụ huynh mua cho con loại lồng đèn này, Nobbert thì khác, anh len lỏi và cuối cùng tìm ra lồng đèn xếp bằng giấy. Sự ngạc nhiên bắt đầu khi chỉ một thao tác đơn giản, mảnh giấy xếp nhỏ gọn bỗng trở thành lồng đèn với nhiều hình dáng. Sự ngạc nhiên ấy càng gia tăng khi Nobbert biết đây là những sản phẩm thủ công.

Nobbert Balint, Tình nguyện viên của tổ chức GVN cho biết: “Những lồng đèn bằng nhựa này trông giống đồ chơi ở Australia, còn loại lồng đèn bằng giấy này thì trước đây tôi chưa được nhìn thấy. Nó thật lạ, thật bất ngờ. Tôi không hiểu tại sao mọi người không mua loại lồng đèn này”.

Đồ chơi trẻ em trong mùa trung thu đang có sự tranh chấp gay gắt giữa dòng sản phẩm đậm chất truyền thống và những sản phẩm tiện lợi, hiện đại. Những màn múa lân cũng đang có sự khác biệt giữa những đội lân giữ được nét tinh tuý vốn có với những đội lân biến tướng bởi những màn múa vốn không dành chỗ cho Tết trung thu.

Nobbert muốn tìm thấy chất riêng của Việt Nam qua mùa trung thu. Một cái trống con, một cái đầu lân được tô điểm khá ấn tượng, những lồng đèn xếp nhiều hình thù, những động tác múa lân đúng chất… tất cả những điều đó như mang lại cái hồn cho Tết trung thu ở Việt Nam để những người nước ngoài như Nobbert nhận ra: Ở đây đang có nhiều điều cần phải tìm hiểu và sẽ thực sự đáng tiếc nếu như những giá trị truyền thống bị biến dạng.

Anh Nobbert Balint, Tình nguyện viên của tổ chức GVN: “Tôi đã từng xem múa lân ở nước chúng tôi, nhưng thực sự tôi vẫn muốn tìm thấy nét riêng ở đây. Hy vọng nó cuốn hút tôi để khiến tôi ước mình là con trẻ”.

‘ Những đêm trên các con phố giữa mùa trung thu là những đêm Nobbert cóp nhặt vào cho mình những nét đặc trưng trong văn hoá Tết trung thu mà có lẽ không ít người đang sở hữu nó lại không chú ý, hoặc đang làm biến dạng nó.

Nếu như những nơi bán hàng trung thu vắng đi những chiếc đèn ông sao, đèn cá chép dung dị, những du khách nước ngoài sẽ tìm đâu ra đặc trưng của Tết trung thu Việt Nam so với những nước khác mà họ từng đến?

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước