Trường Sa qua câu chuyện của người lính biển

Tấn Quýnh - Hữu Giang -Thứ hai, ngày 29/04/2013 12:00 GMT+7

 Trường Sa qua câu chuyện kể của những người lính biển bao giờ cũng thiêng liêng, bởi để có một Trường Sa hôm nay, nhiều người lính đã ngã xuống giữ vững lá cờ Tổ quốc trên những đảo chìm, đảo nổi.

Hôm nay (29/4) là ngày kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng Trường Sa, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Với những người đã từng sống hay chưa một lần đến Trường Sa thì trong ngày này vẫn hướng về Trường Sa với những tình cảm hết sức đặc biệt. Trong bài viết sau, chúng ta cùng gặp lại một người lính hải quân thuộc thế hệ những người đầu tiên có mặt ở Trường Sa sau ngày giải phóng. Trường Sa qua câu chuyện kể của những người lính biển bao giờ cũng thiêng liêng, bởi để có một Trường Sa hôm nay, nhiều người lính đã ngã xuống giữ vững lá cờ Tổ quốc trên những đảo chìm, đảo nổi.

Những người lính biển khi ấy được gọi là đội quân Yết kiêu thời đại Hồ Chí Minh. Chỉ với 200 chiến sỹ, Đoàn 126 đặc công Hải quân đã hoàn thành sứ mệnh: sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, Trường Sa được giải phóng.

Những bức ảnh hiếm hoi còn lại sau 38 năm trở thành tài sản quý đối với ông - đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân. Đã có những người lính hy sinh trước giờ giải phóng để đồng đội cắm được lá cờ giải phóng trên đảo.

Đằng sau chiến công giải phóng Trường Sa như một huyền thoại là tinh thần “nếu không giải phóng được Trường Sa quyết không về ”. Và họ, những người lính hải quân, nhiều người đã mãi nằm lại ở đảo.

Đại tá Nguyễn Văn Dân xúc động kể lại: “Trong thời khắc ấy, có đồng đội mình khi giải phóng đến thì đã hy sinh. Như ngày 14 tháng 4 năm 1975, khi giải phóng Song Tử, anh Tống Văn Quang quê Cao Bằng tiếp cận đảo đã trúng đạn thù.

Trong Nhà truyền thống của Vùng 4 Hải quân có một lá cờ Tổ quốc như là biểu tượng của thiêng liêng Trường Sa. Những người lính trên đảo Gạc Ma vào ngày 14 tháng 3 năm 1988 đã quyết tử để giữ vững lá cờ Tổ quốc.

Lá cờ Tổ quốc thiêng liêng là thế và Trường Sa thiêng liêng là thế. Có một điều đã thành truyền thống trong người lính biển, đó chính là lòng quả cảm, tinh thần quyết tử bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tinh thần ấy xuyên suốt ngay từ ngày giải phóng quần đảo Trường Sa cho đến ngày hôm nay.

Đại tá Nguyễn Văn Dân nói: “Cái truyền thống đó kế tục không phải trong một số một chiều mà liên tục vì trước ngày giải phóng, anh em đã hy sinh trên tàu không số”.

Chị Trần Thị Thủy là con gái của liệt sỹ Trần Văn Phương, người lính đã hy sinh trên đảo Gạc Ma, hiểu về sự lựa chọn của bố mình. Sự hy sinh của những người lính như bố của chị là điều mà công dân nào cũng lựa chọn. Đó cũng là lý do chị đã chọn hướng đi cho đời mình là được làm việc tại Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân - nơi mà bố của chị đã dành trọn đời…

Chị Trần Thị Thủy chia sẻ: “Đối với tôi, Trường Sa rất gần, ở trong tim mình vì phần máu thịt bố mình nằm ở đó. Đến thế hệ của mình, tôi vẫn quyết định gắn bó với Trường Sa".

Với tất cả mọi người, Trường Sa bao giờ cũng gần gũi và thiêng liêng. Gần gũi bởi đó là vùng biển đảo có những người thân yêu đang sống, đang xây dựng đảo. Thiêng liêng bởi đó là vùng biển đảo có những người thân yêu mãi nằm lại, hóa thân vào biển quê hương, làm thành tượng đài bất tử cho Trường Sa. Bởi thế, ngày ngày ở đất liền, nhiều người luôn hướng về Trường Sa. Những lá cờ Tổ quốc vẫn thường xuyên chuyển ra Trường Sa như là lời khẳng định quyết tâm cùng chung tay xây dựng và bảo vệ Trường Sa.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước