Từ Thông điệp đầu năm của Thủ tướng: Nhiều cơ sở để tin kinh tế Việt Nam 2014 sẽ khởi sắc

Trung Khánh-Thứ năm, ngày 20/02/2014 16:35 GMT+7

Ngoài những tín hiệu lạc quan khi Việt Nam chuẩn bị kí Hiệp định TPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, bản thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tạo ra niềm tin và hi vọng của nhân dân về yêu cầu cần phải đổi mới.

Trái ngược với không khí bi quan của năm 2012 và 2013, bước sang năm 2014, nhiều người đồng tình ở nhận xét: đã xuất hiện những tín hiệu lạc quan hơn (cho nền kinh tế, cho sự phát triển của đất nước). Sự lạc quan và hi vọng này cũng có cơ sở.

Bản tính của người Việt vốn dĩ lạc quan, tuy nhiên những cơ sở thể hiện trong chỉ số kinh tế vĩ mô của năm 2013, lạm phát không còn. Kinh tế vĩ mô đã ổn định trở lại. Ngoài ra, năm nay, Việt Nam có thể sẽ kí Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU.

Ở một khía cạnh khác, bản thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - bản thông điệp theo đánh giá là đi thẳng vào những "điểm nghẽn" cản trở sự phát triển của đất nước - đã trả lời đầy đủ cho tầng lớp trí thức muốn tạo ra sự thay đổi có tính chất đột phá, quan trọng nhất là tạo ra niềm tin và hi vọng của nhân dân về yêu cầu cần phải đổi mới.

Năm nay, bản thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp trong xã hội. Lý giải về hiện tượng này, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho biết: “Trong những năm gần đây, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu và bất ổn kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã diễn ra, Thủ tướng thường có bài viết đầu năm nhằm xác định nhiệm vụ của Chính phủ cũng như cơ quan quản lí các cấp và toàn dân trong năm ấy nhằm khắc phục yếu kém, tồn tại đang gặp phải. Những bài viết ấy thường đề cập đến nội dung cần phải giải quyết trong năm đồng thời cũng đề cập đến nội dung nhiệm vụ dài hạn, thậm chí cả những nhiệm vụ được đặt ra từ những năm trước nhưng phải làm mạnh hơn, quyết liệt hơn trong năm phát đi thông điệp.

Nếu tách từng nội dung cụ thể ra, có thể nói thông điệp năm nay không có nội dung mới. Về dân chủ, quyền làm chủ, hoàn thiện kinh tế thị trường… Đảng và Chính phủ đều đã nhắc tới. Nhưng nếu đặt trong tổng thể bài viết, trong bối cảnh đất nước, trong chỉnh thể thì chúng ta thấy có rất nhiều nội dung mới. Chính điều đó đã tạo ra một không khí đón nhận của nhân dân, nhất là khi chúng ta đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn đặc biệt trong 2 năm gần đây".

Đồng tình với ông Trương Đình Tuyển, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng lí giải thêm: “Những vấn đề được tình bày ra đều có trong văn kiện của Đảng, ví dụ như cải cách thể chế - là một trong ba đột phá, thì vấn đề này không mới. Nhưng cái mới ở đây là bản thông điệp thể hiện cụ thể hơn việc phải làm là gì. Người dân đón nhận hồ hởi như vậy là bởi thông điệp nói trúng vào vấn đề mà xã hội quan tâm, vấn đề mà nhiều người nghĩ là phải làm như vậy. Thủ tướng đã nói đúng tâm tư, mong mỏi của xã hội tạo nên hiệu ứng xã hội như chúng ta đã thấy".

Có khá nhiều nội dung quan trọng cần phải làm rõ trong bức thông điệp đầu năm nay. Trong chương trình Đối thoại chính sách của Đài Truyền hình Việt Nam, nhà báo Lê Quang Minh cùng nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng và Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên sẽ bàn luận sâu hơn về vấn đề này với 3 phần: Đổi mới thể chế (thể chế nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; Dân chủ và thực hành dân chủ; Làm thế nào để đưa nội dung bản thông điệp vào cuộc sống.

Để biết thêm chi tiết về vấn đề này, mời quý độc giả theo dõi video:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước