Tuyến xe bus nhanh BRT đầu tiên ở Hà Nội: Mới chỉ là xe bus ưu tiên

Thùy An-Thứ tư, ngày 30/11/2016 10:32 GMT+7

VTV.vn - Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tuyến xe bus nhanh BRT của thành phố từ Kim Mã đi Yên Nghĩa chỉ có thể gọi là "xe bus ưu tiên" vì chưa có đường dành riêng.

Chưa vận hành theo đúng mô hình BRT

Dự kiến, tuyến xe bus nhanh Hà Nội (BRT Hà Nội) từ bến xe Kim Mã tới Yên Nghĩa sẽ đi vào vận hành thử từ ngày 15/12 sắp tới.

Theo ông Nguyễn Công Nhật - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội, trong những tháng cuối năm 2016, Tổng Công ty đang tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đưa tuyến BRT đầu tiên của thành phố đi vào hoạt động đúng kế hoạch.

"Đây là mô hình đầu tiên ở cả nước. Trong điều kiện giao thông hiện nay, trước mắt 5 phút sẽ có 1 chuyến. Như vậy mỗi chuyến từ Kim Mã – Yên Nghĩa sẽ mất khoảng 40-45 phút (khoảng 14 km)" – ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Hà Nội cho biết.

Tuy nhiên, ông Quang cũng thừa nhận, mô hình BRT hiện chưa hoàn toàn đúng vì chưa có đường ưu tiên mà phải điều hành giao thông ưu tiên cho các tuyến BRT.

Tuyến xe bus nhanh BRT đầu tiên ở Hà Nội: Mới chỉ là xe bus ưu tiên - Ảnh 1.

Mô hình nhà chờ xe bus nhanh (Ảnh: TTXVN)

Để đạt được tốc độ và tần suất trên, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đưa ra 3 giải pháp ưu tiên cho xe bus này hoạt động gồm: Có đèn tín hiệu giao thông ưu tiên khi qua nút giao, nghĩa là cứ xe bus đến là đèn tín hiệu chuyển sang xanh; ở một số tuyến có đường ra vào, sẽ bịt lại để ưu tiên hoàn toàn cho xe bus nhanh; hạn chế bớt xe ô tô và đặc biệt là taxi, ô tô không cần thiết đi vào tuyến này.

Trước câu hỏi làm sao để đảm bảo được tốc độ và tần suất khi mà lộ trình của tuyến xe bus nhanh đi qua những điểm nút giao thông "căng thẳng" hàng đầu của thành phố như Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Lê Trọng Tấn…, ông Quang cho hay đây là một "cuộc chiến phức tạp".

"Chúng ta có mục tiêu để xe bus đi nhanh, về nguyên tắc, các phương tiện khi có xe bus nhanh vào thì phải đi ra chỗ khác. Người tham gia giao thông phải có ý nhường cho xe bus, đây là cuộc chiến gay go phức tạp, nhưng chúng ta sẽ phải làm.

Chúng tôi đề xuất năm tới phải làm đường ưu tiên cho tất cả các loại xe bus khi đó, xe bus sẽ đi nhanh hơn xe máy. Ưu tiên xe bus là quan điểm nhất quán, huy động tối đa lực lượng để giải quyết, điều hành giao thông", ông Quang nhấn mạnh.

Tuyến xe bus nhanh BRT đầu tiên ở Hà Nội: Mới chỉ là xe bus ưu tiên - Ảnh 2.

Việc đảm bảo tốc độ và lộ trình để xe bus về đúng thời gian đang là thách thức lớn cho việc vận hành xe bus nhanh BRT. Hiện rất nhiều hành khách đã bỏ xe bus vì thời gian di chuyển lâu hơn nhiều so với dự kiến.

Tuyến bus nhanh BRT có chiều dài 14,7 km, với 21 nhà chờ nằm trên giải phân cách giữa đường. Tuyến bắt đầu từ bến xe Kim Mã (quận Ba Đình) qua phố Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Lê Văn Lương kéo dài-trục phía bắc quận Hà Đông - Lê Trọng Tấn -Trần Phú - Ba La - bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông). 

 Xe bus nhanh có 4 cửa ra vào, tốc độ di chuyển khoảng 22 km/h, các xe đều có hệ thống GPS kết nối Trung tâm để giải quyết sự cố phát sinh.

Hướng đến mục tiêu mọi người đều sử dụng được xe bus

Hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các điểm chờ và chất lượng xe là một trong những mục tiêu mà Thành phố Hà Nội đang hướng tới để xây dựng dịch vụ xe bus thuận tiện, an toàn, thân thiện, chi phí hợp lý.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải khẳng định sẽ đảm bảo mọi người đều có thể sử dụng được xe bus và chỉ phải đi bộ khoảng 300-500m là có thể tiếp cận các điểm đón xe. Như vậy, đến năm 2020, thành phố sẽ mở rộng thêm 60 tuyến bus hướng ra ngoại thành và phát triển xe bus ở những địa bàn còn trống trong nội đô.

Hiện 30% xe bus đang vận hành đã trên 10 năm, cần thay thế theo lộ trình. Hà Nội đặt kế hoạch đến năm 2020 phải thay thế và bổ sung mới 1.200 -1.400 xe, trung bình mỗi năm khoảng 300 xe.

Tuyến xe bus nhanh BRT đầu tiên ở Hà Nội: Mới chỉ là xe bus ưu tiên - Ảnh 3.

Trong năm 2016, Hà Nội cho đi vào hoạt động nhiều tuyến xe bus mới

"Xe bus là loại hình vận tải hành khách công cộng được thành phố xác định sẽ là phương tiện chủ lực, nhưng nếu không đổi mới nâng cao chất lượng thì chắc chắn sẽ không thu hút được khách hàng", Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Hà Huy Quang cho biết thêm.

Cũng theo ông Quang, năm 2016, các tuyến xe bus đã vận chuyển gần 400 triệu lượt khách, tăng 0,1 % so với kế hoạch, giảm 8% so với cùng kỳ. Tính đến tháng 11/2016, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe bus của Thủ đô Hà Nội gồm 97 tuyến. Trong đó, 73 tuyến buýt có trợ giá; 11 tuyến bus không trợ giá; 9 tuyến bus kế cận; 4 tuyến thí điểm.

Mức tiền trợ giá cho xe bus từ ngân sách của Hà Nội liên tục giảm trong những năm gần đây, cụ thể năm 2014 là 1.078 tỷ đồng, năm 2015 là 973,6 tỷ đồng và dự kiến năm 2016 là khoảng 957 tỷ đồng. Theo Sở Giao thông Vận tải, nguyên nhân mức tiền trợ giá cho xe bus giảm trong những năm qua chủ yếu do giá xăng dầu giảm.

Vì sao người dân không mặn mà với xe bus? Vì sao người dân không mặn mà với xe bus?

VTV.vn-Ở Việt Nam, lượng hành khách đi xe bus đang có xu hướng sụt giảm liên tục trong những năm gần đây. Lý do gì mà người dân không mấy mặn mà với loại hình vận tải này?

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước