Vấn đề thoát lũ cho dự án sông Hồng

Hải Duyên -Thứ hai, ngày 12/10/2009 09:18 GMT+7

Còn đúng một năm nữa, thủ đô Hà Nội sẽ tròn 1000 năm tuổi. Đề án quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết thủ đô hiện đang được gấp rút triển khai. Trong số các dự án mở rộng, phát triển Hà Nội, dự án Thành phố sông Hồng có quy mô và tầm vóc lớn, nhưng cũng đang còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ.

Mới đây, một cuộc hội thảo lấy ý kiến phản biện về quy hoạch tiêu thoát lũ và tác động của nó và của thành phố bên sông Hồng tới đời sống người dân đã được tổ chức. Cuộc hội thảo thu hút động đảo các nhà quản lý, các chuyên gia xây dựng, đô thị của Việt Nam và phía đối tác Hàn Quốc.

Tại hội thảo, các nhà khoa học tập trung đề cập vấn đề tiêu thoát lũ, tên của dự án, tác động của dự án với đời sống của người dân... Theo các nhà khoa học, sông Hồng của Hà Nội nằm trong điểm huyệt của cả sông Hồng, điều đó có nghĩa nó ở vị trí quyết định, chi phối toàn bộ khu vực đồng bằng sông Hồng. Để thực hiện dự án, cần phải đánh giá, nhìn nhận từ nhiều góc độ.
Ông Nguyễn Ty Niên, Nguyên Cục trưởng Cục Đê điều - Phòng chống Lụt bão: “Khi mà dự án đặt ra, điều tôi quan tâm nhất là vấn đề thoát lũ, bởi đây là vấn đề trọng tâm nhất của sông Hồng và Hà Nội. Hai là, vì đây là cửa lấy nước lớn nhất, một là cửa Liên Mạc tưới cho 100 ngàn ha của sông Nhuệ, nhưng đặc biệt là lan tỏa của sông Hồng sang sông Đuống, sông Thái Bình, điều tiết toàn bộ sông Thái Bình, cho nên mỗi tác động là ảnh hưởng đến đời sống hàng chục triệu nông dân, cho nên dự án này phải nhìn cả hai phía tài nguyên, môi trường, thiên tai nhưng đặc biệt tôi nhấn mạnh, vẫn là đời sống của 10 triệu nông dân”.
Trong giai đoạn 1, các chuyên gia Hàn Quốc đã đưa ra các giải pháp thoát lũ cho sông Hồng khi thực hiện quy hoạch thành phố ven sông. Phương án chỉnh trị sông Hồng có tổng kinh phí hơn 581 triệu USD, ngoài gia cố 34 km đê đoạn Hà Nội hiện nay, sẽ xây dựng thêm một tuyến đê mới nằm sát sông có chiều dài hơn 40 km. Như vậy, đoạn sông Hồng qua Hà Nội được bao quanh bởi 4 con đê, vấn đề này các nhà khoa học cho rằng không thuyết phục, vì việc xây đê mới chưa nằm trong quy hoạch nào của VN.
Tiến sĩ Phạm Xuân Sử, Chủ tịch Hội tưới tiêu VN: “Tôi chắc rằng, sông Hồng sẽ bị bồi lấp và về mặt mỹ thuật không thể nào làm 4 đê được, điều nữa là, những vùng lũ như Vĩnh Phúc, Phú Thọ người ta mong có công trình Sơn La, Tuyên Quang để thoát khỏi vùng lũ thì không bao giờ thoát được. Khi làm cứng hóa như vậy, chắc chắn sẽ xói lở vùng khác”.
Tiến sĩ Khoa học Vũ Ngọc Hải: “Trước hết phải tính đến kỹ thuật thoát lũ. Quan điểm thoát lũ không thể tính đến đoạn sông Hồng ngắn 40-50 km được, mà phải tính đến toàn bộ hệ thống sông Hồng, phải tính đến đoạn đầu nguồn Trung Quốc nữa”.
Phương án chỉnh trị lòng sông Hồng của tổ tư vấn dự án cũng đưa ra mức nạo vét lòng sông ở mực nước thấp khoảng 22 triệu m3. Đa số các nhà khoa học cho rằng, không thể áp dụng mô hình thành phố sông Hàn vào xây dựng thành phố sông Hồng, vì sự khác biệt nhau về thủy văn, địa hình và điều kiện kinh tế xã hội khi làm dự án. Theo tổ tư vấn của dự án, số lượng phù sa hàng năm cần phải nạo vét là 22 triệu m3, trong khi mỗi năm, lượng phù sa sông Hồng lớn gấp 5 lần con số đó.
Ông Hoàng Tuyển Kỳ, Chánh văn phòng Hội tưới tiêu VN cho rằng: “Đề án thoát lũ mà Hàn Quốc đưa ra tôi thấy không phù hợp, vì nước sông Hồng khác với nước của Hàn Quốc, nước HQ dưới đáy sông là sỏi, khi người ta làm thì không bị bồi đắp, nhưng nước mình là nước sông Hồng, nên sau khi đào cho tiêu, sau 1 năm phù sa lại lắng xuống, bằng không. Ví dụ như cống Liên Mạc, hàng năm Nhà nước phải đào để dẫn nước, để tưới vùng Hà Tây, đấy là nhỏ mà hàng năm phải hốt mấy chục vạn khối, vậy mà cả 32 km mà làm như thế thì không được”.
Chủ trương mở rộng thủ đô của Dự án “Quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội" nhận được sự ủng hộ của các nhà khoa học, người dân thủ đô. Tuy nhiên, qua các ý kiến của các nhà khoa học, vấn đề thoát lũ cho dự án sông Hồng là chưa đủ độ tin cậy và cần phải tiếp tục nghiên cứu.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước