VIDEO: Kiểm lâm tiếp tay phá rừng QG Ba Bể?

Nguyễn Ngân-Thứ bảy, ngày 23/06/2012 13:00 GMT+7

Tại tỉnh Bắc Kạn, rừng gỗ nghiến trăm năm tuổi đang bị đốn ngã ngày đêm ngay giữa khu vực vùng lõi của vườn quốc gia Ba Bể. Một lần nữa, nghi vấn về trách nhiệm của kiểm lâm vườn quốc gia lại được đặt ra.

Những gốc cây còn tươi sau khi bị đốn hạ (Ảnh: TM)

Suốt thời gian qua, Cốc Tộc, Pắc Ngòi, bản Cám, Khâu Qua, Nặm Dài thậm chí cả Ao Tiên - khu vực rừng ngay kề hồ Ba Bể thuộc địa phận xã Nam Mẫu, là những điạ bàn mà các đối tượng lâm tặc hoạt động mạnh nhất. Người dân điạ phương lo ngại, cứ với đà phá rừng này chỉ vài năm nữa, hơn 10.000 ha rừng nguyên sinh và hệ sinh thái rừng sẽ bị phá huỷ. Một lần nữa, nghi vấn về trách nhiệm của kiểm lâm vườn quốc gia lại được đặt ra. Và câu trả lời quen thuộc vẫn là: Do chế tài không nghiêm, nên ngày lại ngày rừng vẫn bị phá và gỗ vẫn ngang nhiên vượt qua các chốt trạm kiểm lâm dễ dàng.
Men theo lối lâm tặc để lại, phóng viên Thời sự, Đài THVN đã xâm nhập vào khu vực rừng đang bị phá. Theo người dân điạ phương, lâm tặc chỉ hoạt động vào ban đêm, cao điểm từ 12h đêm - 4h sáng. Trời mưa là thời điểm dễ hoạt động nhất.
Các đối tượng lâm tặc rất manh động nên phải rất khó khăn chúng tôi mới ghi lại được những hình ảnh gốc gỗ nghiến trăm năm tuổi bị triệt hạ chỉ sau chưa đầy 1h đồng hồ, với một chiếc cưa lốc hay còn gọi là cưa xăng.
Lợi nhuận kinh tế khổng lồ từ những gốc gỗ nghiến có tuổi đời nghìn năm tuổi với đường kính hơn 1m đã khiến nó trở thành miếng mồi béo bở mà các đối tượng lâm tặc đang hướng tới. Và ngay tại khu vực rừng mà chúng tôi tìm đến, thì có hơn 40 thân gỗ nghiến khác cũng đang chịu thảm cảnh tương tự. Điều kỳ lạ là khu vực rừng này cách khu vực trung tâm lòng hồ Ba Bể từ 300m. Thế nhưng cứ về nửa đêm về sáng, những hoạt động khai thác vẫn diễn ra ngang nhiên và công khai mà các lực lượng chức năng không hay biết.
Chỉ sau một đêm mưa, gỗ đã được xẻ thành thớt cho dễ vận chuyển.
Có những thân gỗ lớn hơn được để lại đây đã vài tháng. Theo giải thích của người dẫn đường cho chúng tôi, có thể chúng được để đó để chờ những đơn đặt hàng giá trị hơn.
Anh Đồng Văn Viên, trưởng thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, Bắc Kạn xót xa: "Có những cây phải tầm 700 - 800 bị đốn hạ, chúng tôi rất xót". Anh cũng chia sẻ, "Chúng tôi thấy cũng không làm gì được, chỉ nhắc nhẹ kiểm lâm. Nhưng kiểm lâm bắt được rất ít vụ".
17 chốt trạm kiểm lâm đóng ở các vị trí ra vào của vườn. Ban Quản lý vườn khẳng định, như thế thì nội bất xuất, ngoại bất nhập, khả năng vận chuyển gỗ ra khỏi vườn là rất khó. Thế nhưng không hiểu sao, trong suốt 4 ngày ở đây, chúng tôi không thể tiếp cận với bất cứ cán bộ kiểm lâm nào của vườn. (Mời xem đoạn trao đổi trong Video dưới bài viết này).
Đem điều này trao đổi với ông Nông Đình Khuê, Phó Giám đốc, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Bể, Bắc Kạn, ông nói: "Chúng tôi chưa có kết luận. Cái này để dành cho các cơ quan điều tra".
Còn ông Nông Văn Chí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết: "Tháng 3 vừa qua, chúng tôi có làm việc với vườn quốc gia Ba Bể. Tôi có nói, dù mỗi một gốc nghiến có 1 cán bộ kiểm lâm nhưng nếu cách làm như hiện nay chúng ta cũng chưa chắc đã giữ được. Nếu chính phủ kiểm điểm, trên tôi là chủ tịch, dưới sẽ là tôi".
8 cây gỗ nghiến ở Ao Tiên đã bị đốn hạ ngay cạnh chốt trạm kiểm lâm, nơi được khẳng định là có lực lượng mật phục 24/24h. Những người dân sống giữa kho vàng xanh này lo ngại nói với chúng tôi rằng: Sau chuyến dẫn đường này cho chúng tôi, họ có thể không còn được sống yên ổn ở đây… Nhưng dù thế nào họ vẫn phải lên tiếng để giữ lấy rừng.
Mời Quý vị xem Video: Phá rừng Quốc gia ở Ba Bể

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước