VIDEO: “Sở hữu toàn dân về đất đai phù hợp thực tiễn Việt Nam”

VTV News-Thứ năm, ngày 07/03/2013 07:43 GMT+7

 Xoay quanh những ý kiến cho rằng cần bỏ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, Phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với TS. Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp.

Trong quá trình lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một số người đã cho rằng chế độ sở hữu toàn dân về đất đai được quy định trong Hiến pháp 1980 và Hiến pháp hiện hành là nguyên nhân gây ra nhiều bất ổn xã hội do sự gia tăng về khiếu nại và khiếu kiện về đất đai. Từ lập luận này, họ đã kiến nghị bỏ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai và thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai.

Sự phát triển của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là tiền đề quyết định sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Xóa bỏ chế độ tư hữu để thiết lập chế độ công hữu (tức là sở hữu toàn dân) đối với tư liệu sản xuất, đất đai được xem là một trong những tiêu chí để phân biệt và cũng là thể hiện tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội so với chế các chế độ khác.

Cuộc trao đổi giữa Biên tập viên Quang Minh - Đài THVN và Tiến sỹ Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp sẽ giúp quý vị và các bạn hiểu rõ hơn bản chất của những luận điểm này.

Thưa Tiến sỹ Dương Đăng Huệ, là người tham gia vào quá trình tổng kết Hiến pháp năm 1992, ông thấy chế độ sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu có phải là nguyên nhân của tình trạng gia tăng khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai thời gian gần đây hay không? Và đâu là nguyên nhân chính của tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về đất đai?

- Với tư cách là nhà nghiên cứu, tôi không đồng ý với quan điểm đó. Tôi cho rằng chế độ sở hữu toàn dân bản thân nó không phải thủ phạm, không phải yếu tố chính dẫn đến những phức tạp trong quản lý đất đai mà do những nguyên nhân khác.

Theo tôi, có 2 nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất là nguyên nhân về mặt lập quy. Sau khi cơ chế, chế độ được xác lập bởi Hiến pháp và sau đó là Luật Đất đai thì khâu ban hành các chính sách pháp luật để triển khai thực hiện là chậm và nhiều khi không thực tế. Tức là, không phải do chế độ đó mà do khâu triển khai thực hiện, khâu ban hành pháp luật để tổ chức thực hiện nguyên tắc đó là chậm và nhiều khi không phù hợp.

Nguyên nhân thứ hai do công tác điều hành, quản lý đất đai, thực thi pháp luật tức là trong hoạt động hành pháp. Chúng ta biết dân ta đi biểu tình, khiếu nại tố cáo không bao giờ nói rằng đòi xoá bỏ ngay chế độ sở hữu toàn dân và dân cũng không yêu cầu xác lập ngay chế độ sở hữu tư nhân về đất đai mà dân chỉ nêu những vấn đề cụ thể xuất phát từ khâu thực thi pháp luật. Quyền sử dụng đất là một vật quyền, là một quyền tài sản Nhà nước cho dân, Nhà nước cam kết bảo đảm. Trên thực tế, trong điều hành nhiều nơi, nhiều địa phương thu hồi đất một cách tuỳ tiện, không theo căn cứ pháp luật. Nhân dân ta rất yêu nước, nếu như đất này cần thu hồi để phục vụ an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì không người nào từ chối cả nhưng cái người dân phản đối, khiếu nại là sự đền bù không thoả đáng, không khách quan, minh bạch.

Tóm lại, nguyên nhân chủ yếu của các tình trạng khiếu nại khiếu kiện không nằm trong chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.

Là người có nhiều nghiên cứu về vấn đề sở hữu trong hiến pháp, ông có thấy có nhiều nước trên thế giới áp dụng chế độ sở hữu đất đai như chúng ta hay không? Và theo ông việc sở hữu đất đai toàn dân có phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và thực tiễn ở Việt Nam hay không?

- Có rất ít quốc gia trên thế giới này thừa nhận hay ghi nhận một chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Tôi cho rằng chân lý không phải bao giờ số đông cũng đúng và những việc ít nước làm không phải bao giờ cũng sai. Điều quan trọng nhất là quyết định đó, sự ứng xử đó có phù hợp với thực tiễn từng nước hay không.

Ở Việt Nam hiện nay, việc xác lập chế độ sở hữu toàn dân là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Tôi cho rằng trước mắt công việc của chúng ta không phải xoá bỏ chế độ sở hữu toàn dân, không phải xác lập chế độ tư hữu về đất đai mà các nhà chính trị, các nhà quản lý, các nhà chuyên môn, các nhà khoa học phải cùng nhau nghiên cứu để khắc phục bằng được những nguyên nhân mà tôi vừa nói.

Một là, triển khai các chính sách pháp luật rất chậm và không phù hợp với thực tiễn. Hai là, trong quản lý điều hành đất đai có rất nhiều quyết định không đúng với chức năng nghiệp vụ và đó chính là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng như hiện nay. Nhiệm vụ bây giờ là phải làm những việc đó chứ không phải thay đổi chế độ sở hữu về đất đai.

Dựa trên những lập luận nào mà ông cho rằng chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là phù hợp với thực tiễn và lịch sử của Việt Nam?

- Việt Nam là đất nước hoàn toàn khác với nhiều nước. 30 năm trong lịch sử hiện đại không có nước nào chiến tranh dài như Việt Nam và đây cũng là đặc thù của Việt Nam. Từng mảnh đất là thành quả của đấu tranh cách mạng của bao thế hệ người và không phải tự nhiên mà chúng ta lại tuyên bố là thuộc quyền sở hữu của toàn dân. Xuất phát từ hoàn cảnh Việt Nam đó là một miếng đất là từng tấc đất thấm mồ hôi nước mắt của cả dân tộc. Việc này là phù hợp, đất đai phải là tài sản của toàn dân, do nhà nước đại diện và thống nhất quản lý. Đó là một quy định hoàn toàn phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Khản giả có thể xem lại Video Sửa đổi hiến pháp 1992: Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai tại đây.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước