Viện trợ nước ngoài sẽ giảm

Thu Hà - Quang Minh-Thứ hai, ngày 07/03/2011 12:00 GMT+7

Sau Đan mạch, Anh đã tuyên bố thời hạn ngưng viện trợ cho Việt Nam. Đây là điều không bất ngờ, vì Việt Nam từ năm 2010 đã được công nhận là nước có thu nhập trung bình, mặc dù là trung bình thấp.

Chúng ta sẽ phải chấp nhận thực tế là nguồn viện trợ nước ngoài sẽ giảm dần, song song với việc quốc tế ngày càng đánh giá cao nội lực và sự phát triển ổn định của Việt Nam.
Tuần qua, Anh công bố sẽ kết thúc viện trợ cho Việt Nam sau 5 năm nữa. Trước đó Đan Mạch, một nước Bắc Âu cũng tuyên bố, ngân khoản viện trợ cuối cùng cho Việt Nam sẽ kết thúc vào năm 2012.
Bà Fiona Lappin, Trưởng Văn phòng Bộ Phát triển Quốc tế Anh tại Việt Nam: "Lý do ngưng viện trợ vì VN là một nền kinh tế đang trỗi dậy mạnh mẽ, đạt thu nhập trung bình, và VN đã sử dụng rất hiệu quả tiền viện trợ thời gian qua".
Theo chuyên gia của Ngân hàng thế giới, trong 5 năm tới, sẽ còn có các nhà tài trợ khác rút khỏi Việt Nam, mặc dù sẽ không ồ ạt.
Bà Victoria Kwa Kwa, Đại diện Ngân hàng thế giới WB tại Việt Nam: "Tôi cho rằng, không cần quá lo lắng vì viện trợ hiện chỉ chiếm dưới 5% GDP của Việt Nam. Hơn nữa họ không rút ồ ạt, một số nước như Australia hay Nhật Bản vẫn tăng viện trợ".
Ông Tsuno Motonori, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam: “Nhật Bản giảm viện trợ không hoàn lại, nhưng tăng nguồn vốn vay ODA, vì đánh giá năng lực vay của Việt Nam ngày càng tốt khi VN đạt mức thu nhập trung bình”.
Từ năm 2010, VN đã công bố mức thu nhập bình quân đầu người là hơn 1000 USD, trở thành nước có thu nhập trung bình, dù ở mức thấp nhất trong dải thu nhập từ 1000 tới 10.000 USD dành cho các nước ở nhóm này. Nhưng luật chơi với viện trợ quốc tế vẫn có thể áp dụng như với các nước có thu nhập trung bình khác.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: "Cần tận dụng thật tốt khoản viện trợ còn lại, và chuẩn bị điều kiện, nội lực trong nước thay thế vào những ODA đang giảm đi, và chuyển quan hệ song phương sang bình diện khác".
Còn nhớ chỉ cách đây chừng hơn ba mươi năm, nền kinh tế VN, cho tới từng bữa ăn của người dân còn phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ nước ngoài. Đến ngày nay, viện trợ chỉ còn chiếm một phần nhỏ, là nỗ lực to lớn và niềm tự hào của chúng ta.
Bà Victoria Kwa Kwa, Đại diện Ngân hàng thế giới WB tại Việt Nam: “Đó là điều tốt đẹp, các bạn có được sự độc lập, có năng lực ra quyết định riêng, và không bị phụ thuộc”.
Những lĩnh vực hiện đang nhận nhiều viện trợ nước ngoài, mà VN cần chuẩn bị tiếp nhận gồm có phòng chống HIV/AIDS, nước sạch và vệ sinh, và các chương trình giảm nghèo.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước