Việt Nam có thể hỗ trợ châu Phi phát triển đô thị

Cẩm Nhung-Thứ bảy, ngày 18/02/2012 09:00 GMT+7

Việt Nam là điển hình về sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Nhật Bản trong phát triển hạ tầng đô thị, vì vậy sẽ là hình mẫu tốt để các nước châu Phi học tập để quy hoạch và xây dựng đô thị.

Đây là nội dung của chương trình làm việc 4 ngày vừa qua do Cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản phối hợp với Bộ Xây dựng và Hiệp hội Phát triển và Quy hoạch Đô thị Việt Nam, lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Chương trình nhằm tạo cơ hội cho các nước châu Phi chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm về phát triển đô thị tại Việt Nam. Sự kiện này không chỉ được coi là cần thiết đối với các nước châu Phi, mà còn là cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng đô thị.

Khu đô thị mới kiểu mẫu Linh Đàm (một trong hai khu đô thị đầu tiên do chính Việt Nam tự xây thiết kế và xây dựng, góp phần giãn dân khu vực nội đô), khu liên hợp xử lý rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội (khu xử lý rác đầu tiên của Việt Nam hiện đại, đồng bộ, không chỉ phục vụ cho khu vực Hà Nội, tiến tới sẽ còn phục vụ cho các địa phương lân cận) là những dự án hạ tầng đô thị mà các nước châu Phi rất cần nhưng chưa thể xây dựng được do thiếu vốn và nhân lực.
Giờ đây, khi đang có được nguồn vốn hỗ trợ từ một nước thứ ba trong lĩnh vực xây dựng đô thị, Việt Nam lại chính là hình mẫu mà các nước châu Phi mong muốn học tập theo hình thức truyền thống là 2 + 1 trong khuôn khổ hợp tác Nam - Nam, tức là Việt Nam giúp đỡ châu Phi về nhân lực với sự hỗ trợ tài chính của một bên thứ ba là Nhật Bản.
Ông Kra Kouamé Kouman, đại biểu Bờ biển Ngà nhận xét: "Mô hình khu đô thị này có thể áp dụng tại rất nhiều nước ở châu Phi nhưng để thực hiện dự án này thì chúng tôi gặp một số khó khăn liên quan đến vấn đề đền bù đất đai. Tôi thấy đất nước các bạn có những chính sách về đất đai rất linh hoạt để thực hiện các khu đô thị này".
Bà Khadidiatou Drame, đại biểu Senegal phát biểu: "Chuyến đi thực tế này mang lại cho chúng tôi - đất nước Senegal rất nhiều lợi ích trong lĩnh vực phát triển đô thị. Tôi thấy các bạn thực hiện quy hoạch đô thị rất tốt. Trong mối quan hệ hợp tác với Việt Nam, chúng tôi mong chờ sự giúp đỡ của các bạn về tài chính và đặc biệt hỗ trợ về kĩ thuật để thực hiện những dự án giống như ở đây".
Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA - bên thứ ba hỗ trợ Việt Nam và châu Phi triển khai mô hình hợp tác này đã nhận định rằng: Mặc dù chưa phải là quốc gia xuất sắc trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị nhưng thực tế những năm qua cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có thể làm hình mẫu cho các nước châu Phi trong giai đoạn đầu của quá trình xây dựng đô thị.
Ông Motonori Tsuno, Trưởng đại diện - Văn phòng Cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết: "Các nước châu Phi cũng gặp phải những khó khăn trong nhiều lĩnh vực giống như Việt Nam như phát triển hạ tầng đô thị, xử lý các vấn đề môi trường..., còn Việt Nam trong thời gian qua đã sử dụng rất hiệu quả nguồn vốn ODA của Nhật Bản cho các lĩnh vực này. Vì vậy, chúng tôi muốn giới thiệu kinh nghiệm này của Việt Nam, tham vấn các chuyên gia của Việt Nam để chuyển giao kinh nghiệm cho các nước châu Phi, trước tiên là trong việc lập kế hoạch phát triển đô thị".
PGS. TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam nhìn nhận: "Với những quốc gia phát triển, có thể Việt Nam không được đánh giá cao lắm, nhưng với các quốc gia châu Phi, tôi cho rằng bạn có thể học được những bài học tốt. Về xây dựng đô thị, chúng ta đã có một quá trình, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình kỹ thuật, thẩm định phê duyệt các đề án".
Vì cùng đối mặt với những thách thức và khó khăn giống nhau nên những bài học mà Việt Nam rút ra được trong những năm qua về phát triển và quy hoạch đô thị được nhìn nhận là sẽ vô cùng có ích cho sự phát triển trong tương lai của các nước châu Phi.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Việt Nam trong lĩnh vực phát triển đô thị có thể bắt đầu từ thời điểm này, nhìn sang thị trường châu Phi để thấy đây là một thị trường mới cho ngành nghề của mình.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước