Việt Nam được gì sau 5 năm gia nhập WTO?

Hữu Bằng -Thứ năm, ngày 01/03/2012 11:00 GMT+7

Thay đổi mạnh mẽ về tư duy và cách hành xử theo hướng thị trường và hội nhập quốc tế của người dân là cái được mà nhiều chuyên gia kinh tế nhận định sau 5 năm VN gia nhập WTO.

Sức ép cạnh tranh là những khó khăn mà VN đang phải đối mặt. Ảnh: Vietinfo.

“Cái được lớn nhất đối với Việt Nam sau 5 năm ra nhập WTO là cả một đất nước với các thế hệ, mọi người hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau có thay đổi rất mạnh mẽ về tư duy và về hành xử theo hướng thị trường và hội nhập quốc tế” là nhận định của bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cao cấp tại Hội thảo đánh giá tác động 5 năm Việt Nam gia nhập WTO do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN và Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên Mutrap phối hợp tổ chức sáng 29/2 tại Hà Nội.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sau 5 năm gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, Việt Nam thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài. Năm 2006, vốn đăng ký đạt trên 10 tỷ USD, tới năm 2008 đã tăng lên 64 tỷ USD. Xuất khẩu của Việt Nam tăng liên tục sau 5 năm, trung bình 19,52%/năm, năm 2010 xuất khẩu vẫn đạt hơn 72 tỷ USD và năm 2011 tăng lên hơn 96 tỷ USD (tăng 33%). Bên cạnh đó là sự thay đổi về tư duy kinh tế, thương mại rất mạnh mẽ, đặc biệt là người nông dân, nền tảng kinh tế đất nước được nâng lên rõ rệt dù còn nhiều khó khăn.
Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng: “Cái được lớn nhất đối với Việt Nam sau 5 năm ra nhập WTO là cả một đất nước với các thế hệ khác nhau, mọi người hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau có thay đổi rất mạnh mẽ về tư duy và về hành xử theo hướng thị trường, theo hướng hội nhập quốc tế. Chưa bao giờ chúng ta trở thành một thị trường sôi động như hiện nay trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tôi đặc biệt ấn tượng về người nông dân Việt Nam, hiếm có nước nào mà nông dân lại chuyển hướng nhanh sản xuất hàng hóa theo hướng thị trường, điều chỉnh mình cho phù hợp với thị trường như vậy”.
Có chuyên gia đã đánh giá: Việt Nam gia nhập sân chơi thương mại toàn cầu đúng vào lúc cuộc chơi đang xấu đi. 5 năm Việt Nam gia nhập WTO cũng là thời điểm xảy ra 2 cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu 2008 và 2011. Tuy nhiên, theo đánh giá tại Hội thảo, Việt Nam đã không thể vượt qua được 2 cuộc suy thoái này nếu không có WTO. Mở cửa thương mại và đầu tư có thể coi là “van xả” của nền kinh tế. Ví dụ, đối với lĩnh vực bán lẻ, mở cửa thị trường phân phối đã buộc doanh nghiệp VN phải tự đổi mới theo hướng thương mại hiện đại.
Đối với ngành bán lẻ Việt Nam thì trong những năm tới đây sẽ là cơ hội để đổi mới và hiện đại hóa hệ thống bán lẻ và nâng mức chuyên nghiệp lên một mức độ mới.
Theo TS.Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN: “Trước sức ép cạnh tranh của việc mở cửa thị trường hơn nữa theo WTO, nhất là sự lớn mạnh của các doanh nghiệp bán lẻ theo hình thức hiện đại thì hình thức bán lẻ truyền thống với nỗ lực vượt qua chính mình sẽ đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, giảm bớt những lạc hậu và sẽ có những bước chuyển mình đáng kể”.
Những thành công và bài học từ việc đàm phán và hội nhập sau 5 năm là thành viên WTO sẽ thực sự là bài học quý báu cho Việt Nam trong việc đàm phán tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên TBD (TPP) tới đây cũng như một loạt các hiệp định thương mại tự do với các đối tác quan trọng khác.

Tin bài có liên quan

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước