Việt Nam sẽ mất 40% diện tích ĐBSCL vào năm 2100

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 02/10/2016 21:52 GMT+7

VTV.vn - Theo dự báo, do biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ mất 40% diện tích ĐBSCL vào năm 2100.

Đồng bằng sông Cửu Long có trên 3,8 triệu ha đất nông nghiệp và là vùng sản xuất nông nghiệp tốt nhất ở Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tới gần 50% diện tích lúa, hơn 70% diện tích nuôi trồng thủy sản, 40% giá trị sản xuất nông nghiệp và hơn 50% sản lượng thủy sản của cả nước. Nhưng những gì vốn là đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long đang thay đổi.

Theo dự báo, do biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ mất 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2100, nghĩa là khoảng 80 năm nữa. Mực nước biển dâng trung bình ở ven biển Việt Nam có khả năng cao hơn mực nước biển trung bình toàn cầu. Đến năm 2050, nước biển dâng lên 22cm, đến 2100 nước biển dâng cao nhất là 76cm. Trong khi đó, lũ lại về chậm trên sông Mê Kông trong vài năm trở lại đây khiến xâm mặn lấn sâu vào nội địa.

Những tác động kết hợp của lũ lụt và xâm nhập mặn gia tăng đe dọa sản lượng nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là sản xuất lúa gạo. Năng suất lúa có thể giảm tới 50% vào năm 2100. Thu nhập từ nuôi cá tra có thể giảm tới 3 tỷ đồng/ha vào năm 2020 do biến đổi khí hậu và con số giảm này còn có thể tăng lên gấp 3 lần vào năm 2050. Tổn thất trong nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh sẽ là 130 triệu đồng/ha vào năm 2020 và tăng lên 950 triệu đồng/ha vào năm 2050.

Nếu không có giải pháp ứng phó hữu hiệu, kịp thời, ảnh hưởng tiêu cực từ sản xuất sẽ kéo theo nghèo đói gia tăng, những nông dân nghèo sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, cần thay đổi tư duy phát triển, không thể dựa mãi vào sự ưu đãi của tự nhiên mà phải biến thách thức thành cơ hội. Bộ trưởng cũng cho biết, ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào rà soát lại toàn bộ các thiết chế hạ tầng phục vụ sản xuất, trong đó đặc biệt là nhóm hạ tầng về thủy lợi và nhóm hạ tầng phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân trong mùa hạn và mùa mặn. Trong năm 2016, Chính phủ sẽ ban hành kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng tới từng địa phương của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với những quy hoạch cụ thể như: quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng sản xuất, quy hoạch về nước ngầm.

Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang trải qua những tác động vô cùng lớn của biến đổi khí hậu. Đã đến lúc cần những chính sách thật sự cụ thể, nhưng có tầm nhìn chiến lược để chung sống với quy luật tự nhiên, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Và để biến thách thức thành thuận lợi, chắc chắn 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và gần 20 triệu dân đang rất cần sự trợ giúp về nguồn lực để ứng phó và phát triển trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước