Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế bảo tồn đa dạng sinh học

Thu Huệ-Thứ hai, ngày 28/04/2014 11:11 GMT+7

Chuyến công tác của đoàn đại biểu Việt Nam liên ngành tại Nam Phi nhằm cam kết tăng cường hợp tác trong bảo tồn đa dạng sinh học đặc biệt là kiểm soát buôn bán và săn bắt trái phép động vật hoang dã bao gồm loài tê giác.

Nam Phi và chính sách bảo tồn đa dạng sinh học

Đất nước Nam Phi rộng lớn có đến 8 di sản thế giới, 6 khu bảo tồn xuyên biên giới, 21 Vườn quốc gia, 2 khu dự trữ tự nhiên đặc thù, 29 khu bảo tồn biển, 379 khu dự trữ tự nhiên, 48 vùng rừng &12 khu vực rừng hoang dã, 1180 Khu bảo tồn tư nhân. Các khu bảo tồn có diện tích khoảng 9,5 triệu hécta, ngoại trừ khu bảo tồn tư nhân.Chính vì vậy Nam Phi có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn.

Từ năm 2008 Nam Phi đã triển khai nhiều chiếc lược và đạo luật nhằm hạn chế nạn săn bắt trộm động vật hoang dã như: Chiến lược quốc gia về an toàn và an ninh của quần thể tê giác ở Nam Phi, lệnh cấm về buôn bán sừng ở Nam Phi. Đạo luật Quản lí môi trường quốc gia của Nam Phi (Nemla) ) sửa đổi để tăng cường các quy định pháp luật (các hình phạt được tăng lên 10 tù giam hoặc/và 10 triệu ZAR tiền phạt). Có trường hợp đã bị xử phạt cho tổng các hành vi vi phạm lên tới 40 năm tù giam.

Chuyến công tác của đoàn đại biểu Việt Nam nhằm mục đích tìm hiểu hệ thống quản lí đa dạng sinh học, tìm hiểu quản lí, kiểm soát hoạt động buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã và khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quí, hiếm. Đồng thời tăng cường sự hợp tác, trao đổi giữa hai quốc gia theo Biên bản ghi nhớ (MOU) về bảo tồn đa dạng sinh học.

Những kinh nghiệm sau chuyến đi

Đoàn đại biểu liên ngành do PGS, TS. Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường dẫn đầu. Chuyến thăm được thực hiện sau khi Kế hoạch hành động được thông qua ngày 6 tháng 5 năm 2013 nhằm triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học được kí kết tại Hà Nội, Việt Nam vào tháng 12 năm 2012.

Chuyến thăm của đoàn Việt Nam diễn ra đúng thời điểm số tê giác bị săn bắt trộm tại Nam Phi đã tăng lên con số đáng báo động, 233 cá thể tính từ tháng 1 đến tháng 3/ 2014. Trong đó có 144 cá thể tê giác đã bị săn trộm tại Vườn quốc gia Kruger, 32 cá thể tại North West, 21 cá thể tại Limpopo và 16 cá thể tại KwaZulu- Natal. Tất cả 54 kẻ săn trộm thuộc diện tình nghi đã bị bắt giữ. Bởi vậy những chia sẻ và trao đổi mang tính quốc tế giữa Việt Nam và Nam Phi càng có ý nghĩa sâu sắc.

Đoàn đại biểu của Việt Nam đã có nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực tại đất nước Nam Phi như: tham gia hội thảo tại Pretoria và thăm quan thực tế tại Vườn quốc gia Kruger. Sau các buổi thảo luận sôi nổi, hai bên đã đi đến thống nhất trong việc triển khai kế hoạch hành động và hỗ trợ Nam Phi trong việc thực hiện các nghĩa vụ quốc tế. Đoàn đại biểu Việt Nam đã học hỏi thêm nhiều sáng kiến chống săn bắt trái phép tại Vườn quốc gia Kruger, tìm hiểu sâu các nghiên cứu và nỗ lực mà khối phi chính phủ tại Nam Phi đang triển khai trong việc ngăn chặn nạn săn trộm tê giác.

Dù Nam Phi có nhiều kinh nghiệm trong bảo tồn đa dạng sinh học, nhưng cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát buôn bán, săn bắt trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quí, hiếm đặc biệt là tê giác. Bởi vậy, sự trao đổi song phương giữa Việt Nam – Nam Phi cũng giúp nước bạn tìm ra giải pháp với các quốc gia khác trong việc kiểm soát buôn bán, vận chuyển tê giác và động vật hoang dã nguy cấp trái phép.

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Ông Nosipho Ngcaba cho biết “Chúng tôi rất hoan nghênh đoàn đại biểu của Việt Nam tới Nam Phi để tìm hiểu về công tác quản lí và bảo tồn đa dạng sinh học tại Nam Phi đặc biệt là mảng quản lí các khu bảo tồn và động vật hoang dã. Mối quan tâm đặc biệt của đoàn đại biểu là nhằm tăng cường sự hợp tác giữa hai quốc gia trong nỗ lực kiểm soát buôn bán trái phép động vật hoang dã bao gồm các loài nguy cấp như tê giác trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ đã kí về hợp tác trong lĩnh vực Bảo vệ và Bảo tồn đa dạng sinh học thông qua chia sẻ kinh nghiệm, thông tin và các bài học thàn công”.

‘ Đoàn công tác Việt Nam tại Nam Phi

Tiến sĩ Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học cũng chia sẻ sau chuyến đi: “Thông qua các buổi thảo luận, chúng tôi đã học hỏi và trao đổi nhiều bài học quí báu như việc quản lí đồng nhất đa dạng sinh học tại Nam Phi, huy động sự tham gia của các đơn vị liên quan cũng như thiết lập các cơ chế quản lý liên ngành để bảo vệ đa dạng sinh học”.

Qua chuyến công tác này, Việt Nam và Nam Phi đều nhận thấy những lợi ích cho cả hai bên trong việc chia sẻ thông tin, chính sách và pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học và cam kết xây dựng các cơ chế hợp tác sâu hơn trong nỗ lực đấu tranh chống lạ tội phạm quốc tế về động vật hoang dã và công tác quản lí, bảo tồn đa dạng sinh học.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước