Việt Nam tụt hậu về công bố khoa học?

Hà Bình-Thứ tư, ngày 16/01/2013 16:10 GMT+7

Sự hiện diện của khoa họcViệt Nam trên trường quốc tế còn khiêm tốn. Ảnh: VnE

Chỉ tính riêng tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) trong 5 năm qua có tới hơn 7.000 bài báo công bố quốc tế, Singapore là 27.000 bài, Đại học Havard (Mỹ) 75.000 bài. Trong khi đó ở Việt Nam chỉ có 2.000 bài.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện Việt Nam có tới 9.000 Giáo sư, Phó giáo sư, 10.000 Tiến sĩ, hơn 36.000 Thạc sĩ. Tuy nhiên, theo đại diện Liên hiệp các hội KH kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), số lượng các bài báo công bố quốc tế của các nhà khoa học tại Việt Nam trong một năm chỉ bằng khoảng số lượng của một trường đại học Chulalongkorn tại Thái Lan.

Tạp chí Văn hóa Dân gian châu Á là một tạp chí chuyên ngành công bố những bài viết của các nhà khoa học uy tín trong khu vực và trên thế giới. Trong danh mục của tạp chí này, chỉ có tên của các nhà khoa học nước ngoài. Có rất nhiều tạp chí quốc tế chuyên ngành về các lĩnh vực khác nhau như: Văn hóa dân gian, lịch sử, dân tộc học... được trưng bày tại Thư viện Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, trong các tạp chí được xuất bản năm 2012, các bài báo được viết, đáng tiếc không hề thấy tên của các nhà khoa học Việt Nam.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, ngoài rào cản về ngoại ngữ khiến nhiều nhà khoa học Việt Nam e ngại khi phải viết công trình nghiên cứu của mình bằng tiếng Anh, vấn đề kinh phí công bố, khả năng chuyên môn hạn chế... còn lý do mấu chốt khác.

Chẳng hạn, theo GS.TSKH Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học, Viện KH&CN Việt Nam: “Quốc tế hiện nay quy định, để được cấp bằng Tiến sĩ, Giáo sư, phải có ít nhất 1-2 bài báo, công trình nghiên cứu được đăng tải ở những tạp chí chuyên ngành uy tín trên thế giới. Hiện Việt Nam chưa có tiêu chuẩn bắt buộc, bây giờ phải quy định bắt buộc, nếu đã là TS, GS rồi mà không chịu nghiên cứu công bố quốc tế không được giữ chức vụ quan trọng và chức danh TS, GS nữa. Có như vậy mới thúc đẩy được việc nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế...”

Theo PGS-TS Hồ Uy Liêm, Ủy viên Đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam: “Trong quy định cấp bằng TS, GS của Việt Nam, hiện mới chỉ có những quy định chung chung là phải có công trình khoa học công bố, chứ chưa đưa ra tiêu chuẩn bắt buộc nào về vấn đề này”.

GS-TS Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: “Nếu thay đổi phương thức nghiệm thu xét duyệt đề tài hiện nay, phải quy định là đề tài, công trình khoa học đó không chỉ công bố trong nước, mà phải công bố cả ở quốc tế, tôi tin rằng số lượng công trình khoa học công bố của ta sẽ tăng 30-40%”.

Theo các nhà khoa học, để giải quyết thực trạng này, Việt Nam cần phải có quy định bắt buộc giống như các nước trên thế giới đang thực hiện, đó là nhà khoa học phải có bài báo công bố quốc tế thì mới được cấp bằng TS, GS. Làm được điều này, chỉ trong vòng 1-2 năm tới, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam có thể tăng gấp 3-4 lần so với hiện nay.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước