Vốn vay lãi suất thấp chưa đến được doanh nghiệp

Duy Ly -Thứ bảy, ngày 09/06/2012 18:00 GMT+7

Dù không ít ngân hàng đã tuyên bố sẵn sàng có những khoản tín dụng ưu đãi, thế nhưng doanh nghiệp vẫn cho rằng chẳng dễ tiếp cận vốn vay lãi suất thấp, bởi còn nhiều quy định thiếu tính thực tế gây khó doanh nghiệp đi vay.

Nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn vay lãi suất thấp. Ảnh minh họa.
Chủ trương giảm lãi suất cho vay, ưu đãi vốn cho nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ... đang được các doanh nghiệp kỳ vọng. Nhưng trên thực tế, dường như vẫn còn khoảng cách giữa doanh nghiệp với các ngân hàng.
Là một trong bốn đối tượng được xếp loại ưu tiên cho vay vốn, nhưng công ty gạo Vinh Phú vẫn phải đem thế chấp căn nhà trị giá nhiều tỉ đồng mới vay được mấy trăm triệu đồng từ một ngân hàng... để bổ sung vốn kinh doanh gạo. Đại diện công ty đã từng gõ cửa nhiều ngân hàng, nhưng chưa có nơi nào chấp nhận cho vay với lãi suất 15% – 16%/năm. Cuối cùng, doanh nghiệp đành phải chấp nhận mức lãi vay 18%.
Ông Vũ Ngọc Duy, Giám đốc công ty gạo Vinh Phú, TP.HCM nói: “Doanh nghiệp chúng tôi không thể tiếp cận được vốn thấp mà buộc phải vay với lãi cao 18 -19%. Như vậy, không chỉ doanh nghiệp gặp khó mà người tiêu dùng là đối tượng phải gánh chịu chung cái khó này”.
Theo phản ánh từ Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, để tiếp cận được lãi vay ưu đãi, doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp, kiểm toán tài chính minh bạch... Trong khi có đến 90% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không dễ để có thể thuê kiểm toán độc lập.
Trước thực tế tăng trưởng tín dụng cho 4 lĩnh vực ưu tiên vẫn còn rất khiêm tốn, các ngân hàng lý giải rằng do hầu hết các doanh nghiệp đều đang trong tình trạng có nợ quá hạn hoặc nợ xấu.
Ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc Eximbank nói: “Trong 5 tháng đầu năm 2012, ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo giảm lãi suất xuống, đến giờ phút này tôi cho rằng lãi suất như thế là đang ở mức thấp. Tuy nhiên lãi suất cho vay lại không ở mức thấp như Chính phủ, ngân hàng nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn là do nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại VN đang tăng lên ở mức cao, do đó các tổ chức tín dụng họ tìm rất nhiều biện pháp để xử lý vấn đề này, cơ cấu nợ là một giải pháp tốt để giúp DN không bị chuyển lên nhóm 1,2,3…Tuy nhiên, cơ cấu nợ cũng chỉ là một phần, quan trọng là với tình hình nợ xấu như thế, DN trả gốc cũng rất khó mà trả lãi cũng rất khó, lợi nhuận của ngân hàng trong 5 tháng đầu năm cũng giảm sút rất lớn nên buộc ngân hàng phải lựa chọn những doanh nghiệp tốt để cho vay”.
Các ngân hàng vẫn tuyên bố sẵn sàng cho vay nếu doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt. Nhưng xem ra với tình trạng hiện nay, 2 phía người cho vay và người đi vay vẫn khó có được tiếng nói chung, khi không có nhiều doanh nghiệp có thể đáp ứng được tất cả yêu cầu từ phía ngân hàng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước